Asian Para Games không chỉ là cuộc thi hay cuộc đua tranh mà nó còn là một sự kiện nhân văn của nhân loại, thể hiện tinh thần đoàn kết, thống nhất giữa các dân tộc và cùng nhau loại bỏ sự kỳ thị đối với những người không may mắn.
Tiếp sau sự kiện ASIAD 18, Indonesia được đánh giá là đã tổ chức thành công Asian Para Games lần này. Indonesia đã nỗ lực cải thiện hình ảnh đất nước trong mắt bạn bè quốc tế bằng việc tích cực xây mới, sửa sang, cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông công cộng, đảm bảo vệ sinh môi trường và đặc biệt chú trọng đến công tác an ninh.
Nhìn lại quá trình hơn 1 tuần diễn ra sự kiện lớn này, Indonesia không để xảy bất kỳ sự cố đáng tiếc nào. Cổ động viên các nước đến với đất nước Indonesia đều cảm nhận được sự thân thiện, nhiệt tình, mến khách của người dân nước sở tại cũng như của Ban tổ chức Asian Para Games 2018.
Đến Indonesia tham dự Asian Para Games năm nay có 2.832 VĐV của 44 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các VĐV đã cùng nhau tranh tài tranh tài ở 18 môn thi đấu. Ngay từ ngày thi đấu đầu tiên đã có nhiều kỷ lục được phá vỡ, trong đó phải kể đến VĐV Horlin Dmitry của Uzebekistan đã phá kỷ lục với thành tích 4'09''23 (thành tích trước đó là 5'18''62) tại môn bơi lội, nội dung tự do 400m nam, hay tại nội dung thi đấu cử tạ nam - VĐV Rostami Roohallah của Iraq đã xuất sắc phá kỷ lục với thành tích 229 kg (thành tích trước đó là 197 kg)…
Tại Asian Para Games lần này, Trung Quốc vẫn là quốc gia dẫn đầu trong bảng tổng sắp huy chương với 319 huy chương, trong đó có 172 HCV, 88 HCB và 59 HCĐ. Xếp ở vị trí thứ hai là Hàn Quốc với 144 huy chương, trong đó có 53 HCV, 45 HCB và 46 HCĐ. Với 135 huy chương, trong đó có 37 HCV, 47 HCB và 51 HCĐ, nước chủ nhà Indonesia chiếm ngôi vị thứ 5 trong tổng số 44 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia.
Đối với Việt Nam, Asian Para Games 2018 là kỳ đại hội thành công của đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam. Các VĐV của Việt Nam chỉ tham gia thi đấu 7 môn, trong đó có 1 môn thi đấu thử nghiệm là Judo, 6 môn còn lại đều có huy chương. Môn cử tạ có 4 VĐV tham gia và đều giành huy chương, trong đó có 2 HCV, 1 HCB và 1 HCĐ; môn bơi lội giành 4 HCV, 4 HCB và 13 HCĐ.
Tuy xếp ở vị trí thứ 12 trong bảng tổng sắp huy chương, nhưng thành tích của đoàn của Việt Nam đã vượt gấp đôi mục tiêu đề ra trước khi giải khởi tranh với 8 HCV (mục tiêu đề ra từ 4 HCV). Điều đáng mừng hơn nữa, tại Asian Para Games lần này, VĐV Võ Thanh Tùng đã phá kỷ lục Asian Para Games ở cự ly bơi ngửa 50 m với thành tích 0'38"50; phá kỷ lục đại hội (1'20"11), đồng thời xô đổ kỷ lục châu Á (1'17"64) ở nội dung 100 m tự do với thành tích 1'17"02 và phá kỷ lục Đại hội trên đường đua 200 m tự do với thành tích 03'00"02.
Tất cả những thành tích mà các VĐV khuyết tật Việt Nam giành được tại Asian Para Games lần này sẽ tạo đà để các VĐV tiếp tục gặt hái thành công tại ASEAN Para Games Philipppines 2019 và Paralympic Games Tokyo vào năm 2020.
Asian Para Games 2018 đã khép lại nhưng ý nghĩa nhân văn và cao cả của sự kiện này vẫn đang tiếp tục được lan tỏa, gắn kết con người lại với nhau bất kể họ đến từ đâu, lành lặn hay khuyết tật, tất cả đều hướng tới mục đích cùng nhau chia sẻ để vươn lên chiến thắng, chiến thắng chính bản thân mình và chinh phục mọi khó khăn phía trước.