1. VĐV điền kinh Mutaz Essa Barshim của Qatar
Mutaz Essa Barshim dành sự tập trung của bản thân vào 2 mục tiêu lớn trong năm 2023 là Giải vô địch điền kinh thế giới và Đại hội Thể thao châu Á. Tại Giải vô địch điền kinh thế giới 2023, Barshim chỉ đoạt HCĐ nhưng anh trở thành VĐV nhảy cao đầu tiên giành được 5 huy chương tại các giải thế giới và đã hoàn thiện việc sở hữu bộ huy chương Vàng - Bạc - Đồng. Tham dự ASIAD 2023, VĐV sinh năm 1991 đặt mục tiêu giành HCV, thành tích mà anh từng đạt được ở kỳ ASIAD năm 2014, sau khi vắng mặt tại Đại hội năm 2018. Để làm được điều đó, VĐV người Qatar đã quyết định từ bỏ trận chung kết Diamond League ở Mỹ. Barshim hiện vẫn là kỷ lục gia châu Á với thành tích 2,43m năm 2014.
2. VĐV điền kinh Neeraj Chopra của Ấn Độ
Neeraj Chopra vừa giành HCV môn ném lao nam ở Giải vô địch điền kinh thế giới. VĐV này sẽ đến Hàng Châu để bảo vệ "ngai vàng" tại ASIAD mà anh đã giành được 5 năm trước ở Indonesia. Chopra cũng là người Ấn Độ đầu tiên giành HCV Giải vô địch điền kinh thế giới và là VĐV Ấn Độ thứ hai giành được HCV Olympic cá nhân tại Olympic 2020. Anh là một trong số ít VĐV châu Á chọn tham gia thi đấu tại chung kết Diamond League và xếp ở vị trí thứ 2 khi để thua VĐV người Séc Jakub Vadlejch. Thử thách lớn nhất của Chopra tại ASIAD 2023 có thể sẽ là Arshad Nadeem của Pakistan, VĐV giành HCĐ năm 2018 và giành HCB tại Giải vô địch điền kinh thế giới 2023.
3. Kình ngư Hwang Sun Woo của Hàn Quốc
Nhiều khả năng tại ASIAD 2023 sẽ diễn ra màn tranh tài hấp dẫn ở môn bơi nội dung 100m và 200m tự do nam với sự góp mặt của ngôi sao chủ nhà Trung Quốc Pan Zhanle và kình ngư Hwang Sun Woo. Đây là 2 VĐV bơi lội hàng đầu châu Á vào thời điểm hiện tại. Ở nội dung 200 tự do, Hwang Sun Woo giành HCB thế giới năm 2022 và HCĐ thế giới năm 2023 với thành tích 1 phút 44 giây 41. Thành tích này chỉ kém hai phần trăm giây so với kỷ lục châu Á được thiết lập trong trận chung kết tại giải thế giới vào tháng 7/2023 và nhanh thứ ba so với tất cả các VĐV bơi lội trên thế giới năm nay, xếp trên cả kình ngư Pan Zhanle của Trung Quốc. Ở nội dung 100m, Pan Zhanle là người giữ kỷ lục châu Á với thành tích 47,22 giây. Trong khi đó, thành tích tốt nhất của Hwang là 47,78 giây. Điều này khiến anh trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với VĐV bơi lội chủ nhà và chắc chắn đây sẽ là cuộc đọ sức đầy hấp dẫn giữa hai VĐV.
4. VĐV bơi Ikee Rikako của Nhật Bản
Ikee đã có màn trình diễn đột phá tại ASIAD năm 2018 khi giành được 6 HCV và 2 HCB, đồng thời được vinh danh là người chiến thắng Giải MVP nữ (VĐV nữ xuất sắc nhất) của Đại hội. Tuy nhiên, nữ kình ngư người Nhật Bản được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu vào năm 2019 khiến cô phải tạm nghỉ thi đấu một thời gian. Cô trở lại đường đua xanh năm 2021, tham dự Olympic Tokyo 2020 với tư cách là thành viên đội tiếp sức hỗn hợp 4x100m của Nhật Bản. Sau khi vắng mặt ở mùa giải 2022, cô "tái xuất" tại Giải vô địch thế giới vào đầu năm nay và vào đến chung kết ở nội dung 50m bơi bướm. Giới chuyên môn nhận định có thể đấu trường ASIAD 2023 sẽ trở thành bàn đạp để Ikee lấy lại phong độ đỉnh cao và trở lại bục vinh quang.
5. VĐV trượt ván Kusaki Hinano của Nhật Bản
Kusaki Hinano chỉ mới 15 tuổi, cô cũng là VĐV trẻ nhất lọt Tốp 10 VĐV đáng theo dõi nhất tại ASIAD 2023. Kusaki thường luyện tập trượt ván ở công viên. Cô là niềm hy vọng của Nhật Bản tại Olympic Paris 2024 và đã cán đích ở vị trí thứ tư trong cả 2 sự kiện xếp hạng vòng loại Olympic được tổ chức cho đến nay. ASIAD 2023 cũng là lần ra mắt ĐTQG của Kusaki. Trước đây, cô chưa từng đại diện cho Nhật Bản tại một giải đấu lớn nào. Theo kế hoạch, nhà vô địch quốc gia Nhật Bản năm 2022 này sẽ tranh tài tại Giải vô địch trượt ván thế giới (Park) ở Rome (Italy) sau ASIAD 2023. Chia sẻ về hành trình sắp tới tại kỳ ASIAD lần này, Kusaki nhấn mạnh rằng cô sẽ cố gắng hết sức và thể hiện hết khả năng của mình để có thể giành chiến thắng.
6. VĐV lặn Pandelela Rinong Pamg của Malaysia
"Nữ hoàng lặn" Pandelela của Malaysia đã trải qua một năm khó khăn vì chấn thương và các vấn đề liên quan đến sức khỏe. Giờ đây, cô ấy sẽ đến Hàng Châu để tham dự Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 19. Pandelela ra mắt vào tháng 5 tại Giải vô địch lặn thế giới 2023 ở Montreal, cô cán đích ở vị trí thứ 9 ở cả nội dung 10m bục cá nhân và đồng đội hỗn hợp. Tuy nhiên, trong một đợt tham gia tập luyện ở Trung Quốc vào tháng 6 trước khi tham dự Giải vô địch thế giới vào tháng 7 ở Nhật Bản, cô vừa dính chấn thương vừa gặp vấn đề sức khỏe, điều này đã ảnh hưởng đến phong độ của nữ VĐV này. Ở giải đấu tại Nhật Bản, cô bất ngờ đứng thứ 24 ở nội dung cá nhân, đây cũng là lần đầu tiên trong sự nghiệp cô bỏ lỡ trận bán kết. Sau màn trình diễn thất vọng đó, cô chia sẻ trên Facebook rằng cô sẽ tiếp tục thi đấu và không bao giờ bỏ cuộc. Có thể nói ASIAD 2023 là cơ hội để Pandelela sửa chữa sai lầm đó.
7. VĐV bóng bàn Sun Yingsha củaTrung Quốc
Danh hiệu đơn nữ Đại hội Thể thao châu Á là một trong số ít danh hiệu mà Sun, tay vợt nữ số một thế giới chưa giành được trong sự nghiệp. Cô đã giành được HCV Olympic và Youth Olympic ở nội dung đơn và đồng đội; HCV vô địch thế giới và châu Á ở nội dung đơn, đôi nam nữ và đồng đội; vô địch World Cup đơn và đồng đội cùng HCV ASIAD ở nội dung đôi nam nữ và đồng đội. Với việc chỉ có hai VĐV Trung Quốc tham gia nội dung đánh đơn, Sun Yingsha được cho là sẽ có lợi thế trong việc cạnh tranh HCV, đồng đội Wang Yidi là tay vợt duy nhất còn lại trong Tốp 5 ở lễ bốc thăm. Chủ nhà Trung Quốc chiếm ưu thế ở môn bóng bàn, môn thể thao quốc gia của nước này.
8. Tay vợt Kunlavut Vitidsarn của Thái Lan
Tay vợt cầu lông số 2 thế giới người Thái Lan được ví như "quái vật" trong 18 tháng qua, đỉnh điểm là chức vô địch gần đây của anh tại Giải vô địch thế giới BWF. VĐV 22 tuổi người Thái chủ yếu thi đấu ở giải BWF International Challenge hạng hai cho đến tận năm 2019 và luôn là một cầu thủ trẻ đầy triển vọng, giành được 3 danh hiệu trẻ thế giới liên tiếp từ năm 2017-2019. Mùa giải 2022 là bước đột phá của Kunlavut, anh giành được danh hiệu World Tour đầu tiên với chiến thắng vào tháng 3 tại giải Super 300 trước khi giành HCV SEA Games 31 tại Hà Nội vào tháng 5 trước nhà vô địch thế giới lúc bấy giờ là Loh Kean Yew. Tay vợt người Thái sau đó lọt vào trận chung kết Giải vô địch thế giới 2022, song chỉ về nhì. Tuy nhiên, năm 2023 mang lại nhiều thành công hơn khi Kunlavut giành được 2 danh hiệu World Tour trước khi vô địch Thế giới.
9. VĐV thể dục dụng cụ Zhang Boheng của Trung Quốc
Với việc Trung Quốc đã đủ điều kiện tham dự Paris 2024, chủ nhà đã chọn cử đội thể dục dụng cụ mạnh nhất của mình để tranh HCV ASIAD 2023 trên sân nhà thay vì Giải vô địch thế giới 2023 tại Bỉ, trùng với thời điểm diễn ra Đại hội ở Hàng Châu. Điều đó có nghĩa là nhà vô địch toàn năng thế giới năm 2021 Zhang Boheng, người đã giành HCB vào năm ngoái sẽ là ngôi sao nổi bật đáng xem tại Nhà thi đấu Trung tâm Thể thao Hoàng Long ở Hàng Châu. Nam VĐV này cũng đã xuất sắc giành HCV tại Đại hội thể thao Đại học Thế giới vào đầu năm nay.
Tại ASIAD lần này, Zhang Boheng sẽ phải đối mặt với các đối thủ nặng ký như nhà vô địch Olympic Daiki Hashimoto của Nhật Bản. Anh đã đánh bại Hashimoto với 0,017 điểm để giành danh hiệu toàn năng nam tại giải vô địch Thể dục Nghệ thuật Thế giới chỉ ba tháng sau khi Daiki Hashimoto đăng quang tại Thế vận hội Olympic Tokyo 2020. Zhang Boheng thua trận tái đấu tại Thế giới Thể dục dụng cụ một năm sau đó, nhưng đã giành HCV tại Đại hội thể thao sinh viên thế giới mùa Hè Thành Đô vào tháng 8 năm nay sau khi Daiki Hashimoto nghỉ thi đấu vì chấn thương. Tại Hàng Châu, Zhang 23 tuổi và Hashimoto 22 tuổi đều hướng tới mục tiêu cao nhất.
10. VĐV thể dục dụng cụ Zou Jingyuan của Trung Quốc
Cùng với Zhang Boheng, đương kim vô địch xà đơn Olympic, Giải vô địch thế giới và Đại hội thể thao châu Á, Zou Jingyuan được kỳ vọng sẽ có màn thi đấu thành công trước người hâm mộ quê nhà, khi các đối thủ kị dơ châu Á như Nhật Bản chọn cử đội một của họ đến thành phố Antwerp (Bỉ) để tham dự giải vô địch thế giới. Zou Jingyuan vô địch Olympic 2020 và là nhà vô địch thế giới 3 lần ở nội dung xà kép vào các năm 2017, 2018 và 2022.