Nữ hoàng điền kinh Nguyễn Thị Oanh đã bảo vệ thành công 2 tấm HCV SEA Games. Ở nội dung 1.500m nữ, Nguyễn Thị Oanh không có đối thủ trên đường chạy nên không khó để chạm đích đầu tiên với thành tích 4 phút 16 giây 85, bảo vệ thành công tấm HCV đã giành được ở 2 kì SEA Games liên tiếp trước đó. Hơn 10 phút sau, Nguyễn Thị Oanh bước vào thi đấu ở nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật nữ với mục tiêu bảo vệ tấm HCV đã giành được ở kì SEA Games năm ngoái. Một lần nữa, vượt qua thách thức về lịch thi đấu cùng với chiến thuật hợp lý khi duy trì vị trí trong nhóm dẫn đầu và chỉ tăng tốc ở vòng chạy cuối cùng, Nguyễn Thị Oanh đã chạm đích đầu tiên với thành tích 10 phút 34 giây 37.
Bên cạnh đó, đội Vovinam Việt Nam cũng đã xuất sắc giành thêm 2 HCV ở nội dung dung đa luyện vũ khí nam và đa luyện vũ khí nữ.
VĐV thể dục dụng cụ Đinh Phương Thành cũng đã bảo vệ thành công HCV xà đơn. Với chiến thắng này, Đinh Phương Thành đi vào lịch sử, trở thành VĐV vô địch SEA Games 5 kỳ liên tiếp. Đội tuyển Thể dục dụng cụ (TDDC) Việt Nam cũng giành thêm 2 HCV.
Việt Nam còn giành thêm 1 HCV ở môn Thể thao điện tử (eSports) và 1 HCV môn cờ ouk chaktrang.
Ở môn bóng đá nữ, Việt Nam dù thất bại 1-2 trước Philippines nhưng vẫn giành vé vào Bán kết với vị trí nhất bảng.
Ngoài ra, các đội tuyển thể thao Việt Nam còn giành thêm 11 HCB và 10 HCĐ.
Tính đến 21h 30 ngày 9/5, Việt Nam xếp thứ hai trong bảng tổng sắp với 39 HCV. Thái Lan dẫn đầu với 40 HCV.
Bảng tổng sắp huy chương, tính đến 21h30 ngày 9/5:
1. Thái Lan: 40 HCV, 30 HCB, 45 HCĐ
2. Việt Nam: 39 HCV, 39 HCB, 46 HCĐ
3. Campuchia: 39 HCV, 39 HCB, 39 HCĐ
4. Philippines: 25 HCV, 39 HCB, 42 HCĐ
5. Indonesia: 25 HCV, 22 HCB, 52 HCĐ
6. Singapore: 20 HCV, 15 HCB, 18 HCĐ
7. Malaysia: 15 HCV, 15 HCB, 32 HCĐ
8. Myanmar: 11 HCV, 8 HCB, 28 HCĐ
9. Lào: 5 HCV, 9 HCB, 29 HCĐ
10. Brunei: 1 HCB, 2 HCĐ
11. Timore Leste: 2 HCĐ.