Nạn cháy rừng và cháy đất than bùn tại nước này từng xảy ra dai dẳng và gây thiệt hại nặng nề. Năm 2015 đã trở thành thảm họa khi khói mù từ các vụ cháy lan rộng, làm ảnh hưởng đến môi trường không khí của nhiều nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Philippines,…
Trước khả năng nguy cơ này có thể tái diễn và khói mù có thể gây ảnh hưởng đến sự kiện
ASIAD 18 đang đến gần tại thời điểm Indonesia đang trong thời gian cao điểm của mùa khô, Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia đang đẩy mạnh nỗ lực nhằm ngăn chặn các vụ cháy đất và cháy rừng.
Giám đốc cơ quan Kiểm soát cháy rừng và đất thuộc Bộ Môi trường và Lâm nghiệp, Rafles B Panjaitan (Ráp-lét Bi Pan-dai-tan), cho biết trong hơn 2 năm qua, Indonesia đã khắc phục được nạn khói mù. Các điểm nóng ở một số tỉnh có nguy cơ xảy ra cháy cao, như Nam Sumatra (Xu-ma-tra), Jambi (Giam-bi) và Riau (Ri-au) đã được khắc phục sớm và triệt để ngay khi vừa xuất hiện.
Một nhóm nghiên cứu đã phân tích các dữ liệu hàng ngày để dự đoán, cảnh báo và xử lý sớm cháy rừng, cháy đất thông qua việc phối hợp chặt chẽ với lực lượng cứu hỏa của Bộ Môi trường và Lâm nghiệp, cảnh sát, quân đội, các công ty tư nhân và cộng đồng.
Hiện nay, Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia đã triển khai các đội cứu hỏa tại 11 tỉnh có nguy cơ cao cùng các lực lượng khác lên tới gần 2.000 nhân viên được trang bị các phương tiện và thiết bị để chống cháy đất và cháy rừng. Ngoài ra, Bộ cũng đã triển khai các đội cứu hỏa tại các trung tâm bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và các vườn quốc gia. Chỉ riêng ở Nam Sumatra, có 5 đội cứu hỏa đã được thành lập, huấn luyện để ứng phó với cháy rừng, cháy đất.