Xyri nhất trí với hạn chót thực hiện kế hoạch hòa bình

Ngày 2/4, tại buổi thông báo vắn tắt ở Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, đặc phái viên chung của LHQ - Liên đoàn Arập (AL), Kofi Annan cho biết Tổng thống Xyri Bashar al-Assad đã nhất trí với thời hạn chót ngày 10/4 thực hiện kế hoạch hòa bình do đặc phái viên đề xuất.


Đại sứ Xyri tại LHQ, Bashar Jaafari xác nhận thời hạn chót 10/4 đã được "nhất trí" giữa đặc phái viên Annan và chính quyền Đamát. Theo Đại sứ Mỹ tại LHQ Susan Rice, Ngoại trưởng Xyri Wallid Muallem đã hồi đáp đặc phái viên Annan ngày 1/4, khẳng định Đamát nhất trí với thời hạn chót và quân đội Xyri ngay lập tức bắt đầu rút khỏi các thành phố diễn ra biểu tình chống chính quyền, đến 10/4 sẽ hoàn tất việc rút binh sĩ cũng như vũ khí hạng nặng.


Ngoài ra, các quan chức ngoại giao có mặt tại buổi thông báo trên dẫn lời ông Annan nói rằng một phần kế hoạch của phái viên này sẽ bao gồm việc ngừng hoàn toàn chiến sự trong vòng 48 tiếng sau thời hạn chót. Tuy nhiên, ông Annan cũng cho biết chưa có tiến triển nào trong việc đạt được một thỏa thuận ngừng bắn.


Tại HĐBA, ông Annan nhấn mạnh về tình hình cấp bách ở Xyri và kêu gọi sự ủng hộ đối với thời hạn chót. Giới ngoại giao cho biết Mỹ, Anh và Pháp đang phối hợp để có một tuyên bố của HĐBA chính thức ủng hộ thời hạn chót ngày 10/4. Dự thảo tuyên bố được gửi đến các thành viên HĐBA trong ngày 2/4 cũng có nội dung cảnh báo Tổng thống Xyri Assad về "những biện pháp sắp tới" nếu không thực hiện những cam kết với đặc phái viên Annan. Mỹ và các nước phương Tây khác vẫn nghi ngờ việc Xyri sẽ thực hiện cam kết. Phát biểu với các phóng viên, Đại sứ Mỹ tại LHQ Rice nói rằng "những gì đã diễn ra trước đây khiến chúng ta nghi ngờ và lo ngại rằng trong vài ngày tới, có thể sẽ lại chứng kiến tình trạng bạo lực leo thang hơn là lắng xuống".


Đặc phái viên Annan cũng kêu gọi HĐBA bắt đầu xem xét khả năng triển khai một phái bộ quan sát viên tại Xyri. Các thành viên trong nhóm của ông Annan sẽ tới Đamát tuần này để thảo luận về kế hoạch đó. Để cử một phái bộ quan sát viên cần có một nghị quyết HĐBA LHQ, song vấn đề thời hạn chót đặt ra với Xyri đang gặp phải bất đồng. Các nước phương Tây và Arập đã kêu gọi đặt ra một thời hạn chót tại hội nghị "Những người bạn của Xyri" vừa qua ở Thổ Nhĩ Kỳ, song Nga đã lên tiếng phản đối. Ngày 2/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh "việc áp đặt tối hậu thư và thời hạn chót hiếm khi giải quyết được vấn đề". Theo ông Lavrov, kế hoạch hòa bình với Xyri sẽ không hiệu quả trừ khi các lực lượng nổi dậy cũng đồng ý ngừng bắn.


Ngày 2/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) cho biết Mátxcơva bác bỏ lời kêu gọi từ các nước phương Tây và Arập về thời hạn cuối cùng này vì "một tối hậu thư hay thời hạn khiên cưỡng như vậy khó có thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng ở Xyri hiện nay". Ảnh: AFP/TTXVN


Trong khi đó, Gioócđani bác bỏ bất cứ sự can thiệp quân sự nào vào Xyri. Tại cuộc gặp Ngoại trưởng Italia Giulio Terzi đang ở thăm Gioócđani ngày 2/4, Ngoại trưởng nước này, ông Nasser Judeh nhấn mạnh tầm quan trọng của một giải pháp hòa bình nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Xyri, đồng thời kêu gọi Xyri thực thi ngay lập tức kế hoạch hòa bình 6 điểm của đặc phái viên Annan.


Cùng ngày, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen nói rằng liên minh này phản đối việc cung cấp vũ khí cho phe đối lập ở Xyri chống chính quyền, cảnh báo hành động đó sẽ thúc đẩy sự phổ biến vũ khí trong khu vực.


Ông Rasmussen kêu gọi tìm kiếm một giải pháp ngoại giao và một lần nữa khẳng định rằng NATO - lực lượng dẫn đầu các cuộc không kích ở Libi góp phần dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Moamer Kadhafi năm ngoái - "không có bất cứ ý định nào can thiệp vào Xyri". Phát biểu tại cuộc họp báo, Tổng thư ký NATO cũng nhấn mạnh NATO đang theo dõi sát sao tình hình và cho rằng những diễn biến ở Xyri có thể ảnh hưởng đến nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên trong liên minh.


Tại hội nghị "Những người bạn của Xyri" tổ chức ở Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua, phe đối lập ở Xyri đã kêu gọi các nước trang bị vũ khí để chống lại sự trấn áp của chính phủ, nhưng các thành viên Liên đoàn Arập cũng như Mỹ, Pháp và Đức đã né tránh lời kêu gọi này. Ngoại trưởng Ai Cập Mohamed Kamel Amr ngày 2/4 cảnh báo rằng việc vũ trang cho phe đối lập ở Xyri có thể dẫn tới một cuộc nội chiến toàn diện, đồng thời hối thúc tạo cơ hội thành công cho kế hoạch hòa bình của đặc phái viên Annan.


Bạo lực vẫn tiếp diễn tại Xyri ngày 2/4, theo các nhà hoạt động, có ít nhất 34 người thiệt mạng. Tổ chức Giám sát nhân quyền Xyri (trụ sở tại Anh) cho rằng đã có 10.108 người thiệt mạng trong cuộc khủng hoảng kéo dài từ tháng 3 năm ngoái này. Để thúc đẩy vấn đề cứu trợ nhân đạo cho các thành phố đang chìm trong bạo lực, ngày 2/4, Chủ tịch Ủy ban Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ Quốc tế (ICRC) Jakob Kellenberger đã tới Xyri trong chuyến thăm 2 ngày. Theo kế hoạch, ông Kellenberger sẽ có những cuộc tiếp xúc với Ngoại trưởng và Bộ trưởng Nội vụ Xyri cũng như với người đứng đầu Tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ nước này. Đây là chuyến thăm Xyri lần thứ ba của ông Kellenberger kể từ năm ngoái.


TTXVN/Tin tức

Liên đoàn Arập kêu gọi thực hiện ngay kế hoạch hoà bình tại Xyri
Liên đoàn Arập kêu gọi thực hiện ngay kế hoạch hoà bình tại Xyri

Bế mạc hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arập diễn ra ở thủ đô Bátđa của Irắc ngày 29/3, các nhà lãnh đạo Arập đã thông qua Nghị quyết về Xyri và Tuyên bố Bátđa. Cả nghị quyết và tuyên bố này đều ủng hộ việc thực hiện kế hoạch hòa bình 6 điểm của Đặc phái viên LHQ - Liên đoàn Arập Kofi Annan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN