Phát biểu với các tùy viên quân sự nước ngoài ngày 23/4 trong buổi lễ kỷ niệm 64 năm ngày thành lập Hải quân Trung Quốc ở Bắc Kinh, Phó Tham mưu trưởng Hải quân thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), ông Tống Học, khẳng định: “Trung Quốc sẽ có nhiều hơn một tàu sân bay”.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. |
Tuy ông Tống Học tuyên bố một số thông tin trên báo chí nước ngoài nói Trung Quốc đang đóng các tàu sân bay mới ở Thượng Hải là không chính xác, song những đồn đoán liên quan vẫn thỉnh thoảng lại xuất hiện. Xung quanh vấn đề này, tạp chí "Bình luận Quân sự Hán Hòa" số tháng 6 phát hành ở Hồng Công (Trung Quốc) cho rằng phải 1 - 2 năm nữa Trung Quốc mới chính thức khởi công đóng tàu sân bay nội địa hóa và chiếc tàu sân bay này sẽ khá giống với tàu sân bay Liêu Ninh về thiết kế và tải trọng.
Trong một bài viết đăng trên tạp chí đó, đặc phái viên của tạp chí tại Bắc Kinh, ông John Chang, đã dẫn đánh giá của chuyên gia tàu sân bay Nga sau khi xem bản thiết kế bên trong khoang chứa máy bay của tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc cho biết, nó đã được thiết kế lại hoàn toàn, chỉ giữ lại phần vỏ tàu. Đây cũng là kết quả phân tích sơ bộ của các nhà thiết kế tàu thuyền của Đức và Hà Lan. Theo chuyên gia tàu sân bay Nga, tới nay chưa thể chứng minh việc Trung Quốc đã cải tạo thành công tàu sân bay Varyag vì chất lượng thép sử dụng trong chiếc tàu sân bay giờ có tên là “Liêu Ninh” này không giống nhau. Cho nên, hiện nay người ta chưa nhìn thấy vấn đề, nhưng một vài năm sau rất có thể xuất hiện khả năng thân tàu bị biến dạng và mất thăng bằng. Về vấn đề này, kỹ sư thiết kế của phía Trung Quốc cho biết họ hoàn toàn biết rõ điều đó và đây là nguyên nhân căn bản mà hải quân và ngành chế tạo tàu của nước này đang phải tiếp tục theo dõi. Trong bối cảnh chưa có đủ kinh nghiệm và kết luận liên quan cuối cùng, Trung Quốc sẽ không khinh suất chế tạo chiếc tàu sân bay nội địa hóa đầu tiên.
Trong một bài phân tích khác cũng đăng trên tạp chí "Bình luận Quân sự Hán Hòa", chủ biên của tạp chí, ông Bình Khả Phu, cho rằng việc ông Ngô Thắng Lợi lưu nhiệm Tư lệnh Hải quân khi đã bước sang tuổi 68 là rất hiếm và rất có khả năng liên quan tới quyết định đóng tàu sân bay. Ông Ngô Thắng Lợi rất có uy tín trong nội bộ hải quân Trung Quốc và được mệnh danh là “cha đẻ của tàu sân bay”. Trong nhiệm kỳ ông Ngô Thắng Lợi làm Tư lệnh Hải quân, Trung Quốc đã hoàn thành việc cải tạo tàu sân bay Liêu Ninh, do đó, việc Quân ủy Trung ương Trung Quốc để ông Ngô Thắng Lợi lưu nhiệm Tư lệnh Hải quân một thời gian, nhiều khả năng nhất là hy vọng trong thời gian tại nhiệm của nhân vật này, hải quân Trung Quốc sẽ hoàn thành việc ký kết chế tạo tàu sân bay với nhà máy đóng tàu.
Theo phán đoán của tạp chí trên, việc khởi công đóng tàu sân bay do Trung Quốc chế tạo sẽ chính thức bắt đầu trong 1 - 2 năm nữa. Tuy nhiên, việc xây dựng các cơ sở hạ tầng phụ trợ, bao gồm cầu tàu, khu nhà ở cho phi công, tòa nhà Bộ tư lệnh đã bắt đầu. Thời gian chỉ định nhà máy đóng tàu sân bay do Trung Quốc chế tạo sẽ không vượt quá năm 2014 vì việc ông Ngô Thắng Lợi lưu nhiệm Tư lệnh Hải quân nhiều nhất cũng chỉ thêm được 1 - 2 năm là vừa tròn 70 tuổi, trở thành mô hình “Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân” trong hải quân Trung Quốc.
Căn cứ vào hình ảnh cầu tàu sân bay được vệ tinh phát hiện ở thôn Lục Nhai trên đảo Hải Nam, tạp chí trên cho rằng tàu sân bay do Trung Quốc chế tạo sẽ khá giống với tàu sân bay Liêu Ninh về thiết kế và trọng lượng bởi thiết kế cầu tàu của tàu sân bay và tàu mặt nước cỡ lớn, đặc biệt là về mặt kích thước không thể tùy tiện được, mà phải theo quy định thống nhất. Nói một cách khác, chiếc tàu sân bay do Trung Quốc chế tạo sẽ giống với tàu sân bay Liêu Ninh, đều sử dụng động cơ diesel và được trang bị máy bay chiến đấu J-15.
Hà Ngọc (P/v TTXVN tại Hồng Công)