Theo ước tính trung bình của 32 nhà kinh tế tham gia cuộc thăm dò do Reuters thực hiện, tăng trưởng trong xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 9/2018 nhiều khả năng đã chậm lại mức 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức tăng 9,8% ghi nhận trong tháng 8/2018. Tăng trưởng trong nhập khẩu cũng được dự đoán chậm lại chỉ đạt 15% so với con số 19,9% ghi nhận trong tháng 8/2018. Tăng trưởng trong nhập khẩu rời khỏi các mức cao sẽ là một dấu hiệu đáng lo ngại đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang dựa vào nhu cầu nội địa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khi nhu cầu từ nước ngoài tăng trưởng chậm lại.
Các nhà kinh tế tại Nomura trong một lưu ý gần đây dự đoán tăng trưởng trong xuất khẩu trong tháng 9/2018 của Trung Quốc chậm lại hơn nữa do chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng; tháng Chín năm nay có ít hơn một ngày làm việc so với năm trước cũng tạo thêm sức ép đi xuống đối với xuất khẩu. Xét về góc độ trung đến dài hạn, nếu các căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tiếp tục kéo dài, tăng trưởng của Trung Quốc nhiều khả năng bị tổn hại nhiều hơn mức độ được phản ánh qua các dữ liệu thương mại này.
Tổng thặng dư thương mại của Trung Quốc được cho là đã giảm từ mức 27,89 tỷ USD trong tháng 8/2018 xuống 19,4 tỷ USD trong tháng 9/2018.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 9/10 hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay và năm sau mà nguyên nhân là do diễn biến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. IMF cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm sau từ mức 6,4% xuống 6,2%.