Công nghệ mới, có tên gọi là “Hệ thống phát hiện lái xe sử dụng rượu bia vì mục đích an toàn” là chương trình hợp tác nghiên cứu giữa Cục An toàn giao thông đường bộ quốc gia và Liên minh ô tô vì an toàn giao thông của Mỹ nhằm phát triển một thiết bị lắp bên trong xe, khiến người lái không khởi động được xe khi nồng độ cồn trong máu vượt quá ngưỡng cho phép.
Hiện người dân và nhiều cơ quan hữu quan ở Mỹ rất ủng hộ công nghệ này và việc thử nghiệm độ chính xác vẫn đang được tiến hành trước khi đưa ra sử dụng rộng rãi. Liên viện cũng đề xuất rằng khi được đưa vào sử dụng, các công ty bảo hiểm ô tô nên có chính sách chiết khấu giá bảo hiểm để khuyến khích chủ phương tiện mua và sử dụng thiết bị công nghệ rất hữu ích này. Sau khi thiết bị được kiểm định và đưa vào sản xuất hàng loạt với giá không cao hơn các thiết bị có tính năng an toàn khác của ô tô, Cục An toàn giao thông đường bộ quốc gia nên có quy định bắt buộc tất cả xe lưu thông phải lắp thiết bị này.
Ngoài việc ứng dụng công nghệ mới hiện đại, Liên viện cũng đề xuất Chính phủ Mỹ phải thắt chặt luật lái xe hơn nữa bởi số vụ tai nạn do lái xe uống rượu bia ở Mỹ gần đây có xu hướng tăng trở lại.
Mỗi năm, người Mỹ uống khoảng hơn 17 tỷ cốc rượu bia và nếu giả sử những cốc rượu bia lớn tương đương lon bia 330ml thì lượng rượu bia người Mỹ tiêu thụ đủ nhấn chìm hai lần khu Kim Tự Tháp Giza của Ai Cập! Nếu xếp những chiếc lon rỗng chồng lên nhau thì độ dài đo được gấp 5 lần quãng đường từ Trái Đất đến Mặt Trăng và đó mới là số lượng rượu bia uống chủ yếu trong các dịp tụ tập. Cũng theo kết quả nghiên cứu, người Mỹ tụ tập uống rượu bia trung bình 53 lần mỗi năm và mỗi lần mỗi người uống khoảng 7 cốc.
Chính vì vậy, Liên viện đề xuất chính quyền nên sửa đổi luật nhằm thắt chặt hơn nữa những quy định liên quan đến điều khiển phương tiện giao thông mà lại uống rượu bia. Theo đó, chỉ cần bị phát hiện có nồng độ cồn trong máu 0,05 thay bằng 0,08 như hiện đang áp dụng thì người lái xe đã bị coi là vi phạm luật pháp, có thể bị bắt và tước bằng lái.
Theo tính toán, chỉ cần uống 1 lon bia thì nồng độ cồn trong máu người lái xe đã đo được 0,08 (nói cách khác là nồng độ cồn bằng 8 trên 100 mililit máu hay 210 mililit khí thở). Như vậy nếu luật mới được thông qua thì một người chỉ cần uống quá nửa lon bia đã có thể bị quy là vi phạm pháp luật và tước bằng lái xe.
Kết quả nghiên cứu của Liên viện cũng cho thấy khả năng vận hành phương tiện xe gắn máy (gồm cả ô tô và xe máy) của người lái xe sẽ bị ảnh hưởng kể cả khi nồng độ cồn trong máu ít hơn 0,08 và vì vậy vẫn có nguy cơ va chạm gây tai nạn. Thêm vào đó, nghiên cứu của những nước đã thắt chặt giới hạn nồng độ cồn trong máu xuống 0,05% như Áo, Đan Mạch, và Nhật Bản cho thấy đây là chính sách khá hiệu quả. Tuy nhiên, hiện tại Mỹ vẫn đang duy trì mức giới hạn nồng độ cồn trong máu như cũ, đó là 0,08% (tương đương uống 1 lon bia 330ml).
Dù nước Mỹ đã nâng tuổi được phép uống rượu bia từ 18 lên 21 và theo số liệu của Viện Nghiên cứu sức khỏe quốc gia Mỹ thì quyết định này đã giúp giảm đáng kể số tai nạn và tử vong có nguyên nhân liên quan đến rượu bia, song tính từ năm 1982, trung bình 1/3 số ca tử vong khi tham gia giao thông ở Mỹ là do uống rượu bia và gần 40% các nạn nhân không phải là người lái xe gây tai nạn. Theo số liệu năm 2015, hơn một triệu người ở Mỹ bị bắt vì tội danh lái xe khi đã uống rượu bia và khoảng 20-28% người phạm tội lần đầu sau đó lại tiếp tục vi phạm, những người tái phạm có nguy cơ gây tai nạn chết người nhiều hơn những lái xe bình thường tới 62%
Năm 2010, các vụ tai nạn giao thông do uống rượu bia đã gây thiệt hại cho kinh tế Mỹ 121,5 tỷ USD, bao gồm chi phí cho cấp cứu, cứu chữa, mất thu nhập do bị tai nạn, chi phí giải quyết các vấn đề pháp lý và hư hỏng phương tiện. Chính các khu vực nông thôn lại bị ảnh hưởng nhiều nhất do các vụ tai nạn và tử vong vì lái xe uống rượu bia.
Ngoài ra, Liên viện đã kiến nghị nhiều giải pháp khác như tăng đáng kể thuế rượu bia, thắt chặt các chính sách phòng ngừa việc bán rượu bia bất hợp pháp cho người dưới 21 tuổi và những người đã mắc bệnh nghiện rượu sẵn, áp dụng luật khóa khởi động xe đối với người đã từng bị bắt vì uống rượu lái xe, đồng thời có kế hoạch điều trị hiệu quả hơn cho những người mắc bệnh nghiện rượu.
Chính quyền liên bang và các bang nên có biện pháp để rượu bia không được bán tràn lan, chẳng hạn như có những quy định hạn chế bán rượu bia ở các cửa hàng cũng như tại các quán rượu, quán ăn vào những khung giờ nhất định. Chính quyền cũng cần đưa ra những mức phạt nghiêm khắc đối với những cửa hàng cố tình bán rượu bia bất hợp pháp cho người đã có tiền sử nghiện rượu và kiểm tra thường xuyên nhằm phát hiện việc sử dụng giấy tờ giả nâng tuổi để mua rượu, cũng như tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng bắt buộc đối với quản lý các cửa hàng, quán hàng có bán rượu bia.
Chính quyền các bang và liên bang cần củng cố và thực hiện nghiêm túc các quy định về quảng cáo rượu bia trên cách phương tiện truyền thông, đồng thời chi ngân sách cho các chiến dịch truyền thông chống quảng bá rượu bia bởi những quảng cáo rượu bia có nguy cơ ảnh hưởng đến thanh niên rất cao. Theo nghiên cứu này, việc tự hạn chế quảng bá sản phẩm của ngành sản xuất rượu bia ở Mỹ là chưa hiệu quả và hoàn toàn dựa trên mức độ tự nguyện chứ không có quy định cụ thể để phạt khi vi phạm. Ngoài ra, cần có các điểm kiểm tra nồng độ cồn trong máu của lái xe khi tham gia giao thông
Ở một số nơi ở Mỹ và Canada, những người đã bị kết tội uống rượu lái xe mà đã bị lắp khóa liên động (loại khóa này làm xe không khởi động được khi lái xe uống rượu bia bởi hệ thống khởi động xe bị kết nối với với máy kiểm tra nồng độ cồn của cảnh sát) lại ít tái phạm và bị bắt lại hơn.
Chính vì vậy, phương pháp này nên được ứng dụng rộng rãi ở tất cả các bang. Theo đó, những người vi phạm luật lần đầu sẽ bị lắp khóa liên động này trong thời gian ít nhất 2 năm còn đối với người vi phạm lần 2 thời gian sẽ là 4 năm. Mỗi bang nên có tòa án riêng xử lý những vụ uống rượu lái xe và đưa ra lộ trình nhằm thay đổi hành vi của người vi phạm thông qua quá trình theo dõi và điều trị toàn diện.
Các bang nên có chính sách hỗ trợ người nghiện rượu phương tiện đi lại thuận tiện, giá rẻ để họ không phải lái xe. Ví dụ khuyến khích họ đi xe chung hoặc sử dụng phương tiện đi lại công cộng nhất là vào ban đêm và cuối tuần, ở khu vực nông thôn.