Theo tờ Straitstimes, những thói quen mới này là một phần của làn sóng bùng nổ sức khỏe toàn cầu. Tuy nhiên, khái niệm truyền thống về “yangsheng” – nghĩa là “nuôi dưỡng cuộc sống” – đã trở thành xu hướng và là một nét văn hóa độc đáo ở Trung Quốc.
Tại Thượng Hải, cô Annie Huang ngồi trong một quán trà, giống như các quán cà phê thời thượng khác, phục vụ các loại trà thảo mộc truyền thống, nhâm nhi một loại nước uống có vị đắng được cho là có tác dụng thanh nhiệt trong thời tiết oi bức mùa hè.
“Những người trẻ ngày nay thường xuyên bị mất ngủ, vì vậy họ muốn uống thứ gì đó mà họ cảm thấy tốt cho cơ thể”, cô Huang, 30 tuổi, chia sẻ.
Bắt nguồn từ Đạo giáo và tín ngưỡng y học cổ truyền Trung Quốc, yangsheng bao gồm các thói quen như tránh ăn uống các loại thực phẩm khiến cơ thể bị lạnh, sử dụng các liệu pháp mát-xa có mục tiêu giúp thể chữa được nhiều loại bệnh.
Tận dụng xu hướng này, các công ty y học cổ truyền Trung Quốc do nhà nước điều hành như Beijing Tongrentang đã mở các quán phục vụ đồ uống bồi bổ cơ thể, chữa mất ngủ, chẳng hạn cà phê latte kỷ tử cùng với các thành phần truyền thống có tác dụng tăng cường sức khỏe, như tổ yến và nhân sâm.
Hàng nghìn người có sức ảnh hưởng trong lĩnh vực yangsheng đã xuất hiện tràn ngập mạng xã hội Trung Quốc. Họ giới thiệu các mẹo để làm ấm cơ thể, cách kết hợp nước ép gừng vào các bữa ăn hàng ngày và các bài tập ngón tay được cho là giúp cải thiện lưu thông máu.
Xu hướng yangsheng thậm chí còn lan sang cả lĩnh vực du lịch, khi những người trẻ tuổi đổ xô đến các vùng sa mạc để nằm trên cát với niềm tin rằng việc này giúp cơ thể loại bỏ độc tố khỏi cơ thể.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải vật lộn với tình trạng tiêu dùng chậm chạp trong bối cảnh khủng hoảng bất động sản và tình trạng thất nghiệp gia tăng ở thanh niên. Nhưng chi tiêu cho sức khỏe và thể chất, đặc biệt là ở thế hệ thiên niên kỷ và thế hệ Z, vẫn là một điểm sáng.
Ông Jason Yu, Giám đốc điều hành của Công ty Nghiên cứu người tiêu dùng Kantar Worldpanel tại Trung Quốc, cho rằng việc mua sắm các sản phẩm chăm sóc sức khỏe chắc chắn đang tăng nhiều hơn các sản phẩm khác, mặc dù nhiều người trẻ đang thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng”.
“Thực phẩm bổ sung dinh dưỡng là một trong những danh mục mà họ thực sự coi trọng và họ sẵn sàng đầu tư”, ông Yu nói.
Cơn sốt chăm sóc sức khỏe đã xuất hiện dưới nhiều hình thức - từ khoa học đã được chứng minh về mặt y khoa, đến những niềm tin giả khoa học. Nhiều công ty khởi nghiệp Trung Quốc đã kinh doanh các mặt hàng từ kẹo dẻo vitamin cho đến bột men vi sinh, để thu hút sự chú ý và cạnh tranh với các thương hiệu nhập khẩu truyền thống đáng tin cậy hơn.
Xu hướng này gắn liền chặt chẽ với nỗi lo về tác động tiêu cực của văn hóa làm việc hiện đại, áp lực cao đối với sức khỏe ngày càng lan rộng.
Các báo cáo về những người trẻ tuổi làm việc quá sức tử vong trên bàn làm việc đã thúc đẩy người tiêu dùng mua “gói phòng ngừa đột tử” – loại thức uống kết hợp của các chất bổ sung nhằm chống lại tác động của các loại thực phẩm ăn liền và ngày làm việc kéo dài.
“Bạn nghĩ rằng mình chỉ đang làm việc, nhưng thực tế là bạn đang làm giảm tuổi thọ của mình”, bài đăng của một nhân viên văn phòng có sức ảnh hưởng nghiên cứu về yangsheng trên nền tảng truyền thông xã hội Xiaohongshu, cảnh báo.
Trong bối cảnh đó, nhiều phụ nữ trẻ phải xoay xở giữa công việc đòi hỏi cao với áp lực sinh con đã tìm đến các lớp học dạy cách tối ưu hóa sức khỏe sinh sản.
Tại một lớp học buổi tối ở Thượng Hải, bác sĩ y học cổ truyền Trung Quốc Zhang Qinhai chỉ vào sơ đồ tử cung và buồng trứng và cảnh báo học viên - chủ yếu là phụ nữ trẻ, về khả năng sinh con khỏe mạnh đang giảm dần ở độ tuổi làm mẹ cao hơn.
“Mọi người đang chịu quá nhiều áp lực, vì vậy họ ở trong tình trạng sức khỏe kém hơn", một học viên 33 tuổi nói.
Trong khi đó, nỗi sợ về sức khỏe do đại dịch COVID-19 gây ra vẫn còn dai dẳng.
Ông Tommy Qin, chủ quán cà phê trà thảo mộc, cho biết mọi người cảm thấy khả năng miễn dịch của họ đã bị suy giảm do COVID-19 và họ dễ bị cảm và sốt hơn.
Ông Yu của Kantar Worldpanel cho biết ông tin rằng nhận thức đóng vai trò lớn trong việc người tiêu dùng trẻ tuổi vội vã bảo vệ sức khỏe.
“Nhận thức cao hơn về các vấn đề sức khỏe khác nhau, đặc biệt là nhờ sự hỗ trợ của phương tiện truyền thông xã hội, thực sự giúp thúc đẩy tiêu dùng, vì mọi người đều cảm thấy mình chưa đủ khỏe mạnh”, ông nói.