Đối mặt với vô số mối đe dọa chết chóc trên chiến trường, trong đó thiết bị bay không người lái (UAV) tấn công tự sát là mối đe dọa đặc biệt nghiêm trọng, Nga và Ukraine đều đã thực hiện các bước bổ sung để bảo vệ xe tăng và phương tiện của mình bằng cách trang bị thêm các lớp áo giáp bảo vệ.
Bộ giáp “ngẫu hứng” này, đôi khi chỉ giống như một cái lồng thép được hàn xung quanh bên ngoài xe, là một nỗ lực nhằm cung cấp khả năng phòng thủ cuối cùng trước các loại đạn như pháo, tên lửa chống tăng và đặc biệt là thiết bị bay không người lái nhỏ chứa chất nổ.
Trong khi quân đội cả hai nước đều sử dụng những chiến thuật như vậy, trong những tuần gần đây, Nga đã tiết lộ một cải tiến có vẻ ngoài kỳ lạ nhưng khiệu quả, được một số nhà quan sát chiến sự của Ukraine gọi là "xe tăng rùa".
Các video về thiết kế “xe tăng rùa” của Nga, được chia sẻ bởi các tài khoản tình báo nguồn mở và tài khoản mạng xã hội của quân nhân Ukraine, ngày càng trở nên phổ biến kể từ lần đầu xuất hiện vào đầu tháng 4.
Chiếc xe tăng được bao phủ bởi lớp giáp kim loại bổ sung ở mọi phía ngoại trừ mặt trước, nơi khẩu súng nhô ra ngoài, giống như đầu một con rùa.
Rob Lee, một thành viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, đã xác định “xe tăng rùa” tham gia cuộc tấn công vào giữa tháng 4 do Lữ đoàn Súng trường cơ giới số 5 của Nga thực hiện tại thị trấn Krasnohorivka phía đông Ukraine, một điểm nóng giao tranh khi lực lượng của Moskva tiến về phía tây Donetsk.
Trong một video, chiếc “xe tăng rùa” dường như vượt qua một cuộc tấn công bằng bom chùm và tiếp tục di chuyển.
Chuyên gia Rob Lee cho rằng chiếc xe tăng có ngoại hình kỳ lạ, với ít nhất một số trong số có thể đóng vai trò rà phá bom mìn, có thể không “điên rồ” như người ta tưởng.
Xem video cuộc tấn công bằng phương tiện thiết giáp của Lữ đoàn súng trường cơ giới số 5 của Nga vào Krasnohorivka, với hình ảnh chiếc "xe tăng rùa" dẫn đầu dường như là phương tiện dọn mìn (Nguồn: Mạng X/Rob Lee)
“Tôi biết mọi người đang cười nhạo nó, nhưng tôi không nghĩ đây là một tác phẩm chuyển thể điên rồ. Người Nga đang thích nghi với các điều kiện cụ thể của chiến trường trong đó Ukraine có nhiều FPV (thiết bị bay không người lái tấn công góc nhìn thứ nhất) nhưng lại không có đủ ATGM (tên lửa chống tăng dẫn đường), mìn chống tăng và pháo binh”, Lee cho biết.
Ông giải thích thêm: “Vì vậy, việc hy sinh khả năng quan sát và khả năng xoay tháp pháo trên một xe tăng cho mỗi trung đội có thể gây nhiễu nhiều tần số FPV cùng một lúc là điều hợp lý”.
Một số trang thông tin tình báo mã nguồn mở nhấn mạnh vai trò của “xe tăng rùa” trong cuộc tấn công thành phố Krasnohorivka của Ukraine. Một số phương tiện kỳ cục này dường như hoạt động tốt hơn những phương tiện khác.
“Xe tăng rùa” cũng được phát hiện ở xa hơn về phía bắc dọc theo chiến tuyến, trong các cuộc tấn công của Nga nhằm chiếm Chasiv Yar, một thị trấn của Ukraine ngay phía tây Bakhmut đã trở thành chiến trường quan trọng do địa hình cao nhìn ra các khu vực xung quanh.
Tại đây, những chiếc “xe tăng rùa” dường như cũng có hiệu quả nhất định. Một kênh Telegram của Ukraine đã đăng tải đoạn video về hoạt động của “xe tăng rùa” vào cuối tuần qua, lưu ý rằng Ukraine đã phải tiêu tốn “rất nhiều” thiết bị bay không người lái FPV chỉ để tiêu diệt một phương tiện như vậy của Nga.
“Mọi người đều cười nhạo việc chế xe tăng, nhưng trên thực tế, chúng hoạt động cực hiệu quả”, một kênh Telegram tiếng Ukraine viết.
“Xe tăng rùa” của Nga rõ ràng là một bước tiến vượt xa những chiếc “lồng đối phó” nổi tiếng mà cả hai bên đã gia cố để bảo vệ lớp giáp hạng nặng của mình trong suốt cuộc chiến. Những “tác phẩm” phòng thủ mới này xuất hiện khi người Ukraine ngày càng tăng cường chuyển sang sử dụng thiết bị bay không người lái FPV chứa đầy chất nổ để truy đuổi các phương tiện của Nga.