Bất chấp việc lượng khí thải cácbon trên toàn cầu đã chạm mức kỷ lục 30,6 gigatonne (Gt) trong năm 2010, tại Diễn đàn Giao thông Quốc tế (ITF) 2011, các nhà lãnh đạo châu Á cho biết, các công dân của họ vẫn muốn mua thêm xe hơi. Trước tình hình này, các nhà chức trách châu Âu đã kêu gọi đưa thế kỷ 21 trở thành thế kỷ “hồi sinh” của xe đạp, với những loại xe đạp điện tốt cho sức khỏe con người và môi trường.
Theo báo cáo Triển vọng Giao thông 2011 của ITF, số xe hơi và xe tải trên toàn cầu dự kiến sẽ tăng gấp 3 lần từ 850 triệu chiếc hiện nay lên 2,5 triệu chiếc vào năm 2050 và chủ yếu tại các nền kinh tế đang phát triển.
Phát biểu tại hội nghị của ITF (một tổ chức liên chính phủ thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), chuyên trách về lĩnh vực giao thông tại 52 quốc gia), Chủ tịch Liên đoàn Xe đạp châu Âu, Manfred Neun, khẳng định: Xe đạp, đặc biệt là xe đạp điện, là một giải pháp quan trọng cho tiến trình giảm đáng kể lượng khí thải gây ô nhiễm. Theo tính toán, tại Hà Lan, nếu tất cả các loại xe hơi đi quãng đường tối đa là 7,5km được thay thế bằng xe đạp, nó sẽ giúp giảm 2,4 triệu tấn khí thải/năm. Đại diện của 47 quốc gia cũng kêu gọi tất cả các Bộ trưởng Giao thông vận tải thừa nhận lợi ích của xe đạp và thúc đẩy việc sử dụng loại phương tiện này lên cấp độ quốc tế, đồng thời tích cực đầu tư cho xe đạp tại quốc gia của mình.
Xe đạp góp phần mang lại màu xanh cho Trái Đất. Ảnh: Internet |
Chủ tịch Viện Giao thông Hàn Quốc, Yeon Hwang cho biết để thúc đẩy việc sử dụng xe đạp, nước này đang lên kế hoạch xây dựng đường dành riêng cho phương tiện này, với thiết kế dạng ống bằng thủy tinh trong, giúp bảo vệ người đi xe đạp khỏi các tác động thời tiết như mưa, gió. Tại thủ đô Bôgôta của Côlômbia, cựu Thị trưởng Enrique Penalosa cũng đã thực hiện chiến dịch “Ngày Chủ nhật không xe hơi”, theo đó, trong ngày này tất cả các loại ô tô không được phép đi lại trong toàn thành phố. Hiện Côlômbia có trên 500km đường dành cho xe đạp.
Tuy nhiên, theo Giáo sư Pan Haixiao thuộc Đại học Tongji (Trung Quốc), việc sử dụng xe đạp tại Bắc Kinh đã sụt giảm nhanh chóng, do không khí ô nhiễm và sự nguy hiểm từ các phương tiện giao thông. Bất chấp những nỗ lực thúc đẩy loại xe tiết kiệm nhiên liệu và việc sử dụng xe điện rộng rãi hơn, báo cáo của ITF dự đoán lượng khí thải gây ô nhiễm từ các phương tiện giao thông sẽ tăng 250% vào năm 2050, đưa mức “đóng góp” của các loại phương tiện này vào tổng lượng khí thải lên 19 Gt/năm. Hiện giao thông là lĩnh vực góp phần lớn thứ hai vào lượng khí thải cácbon điôxít (7,5 Gt).
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã cảnh báo, lượng khí thải không thể vượt quá 32 Gt, nếu không nhân loại sẽ không thể hoàn thành mục tiêu hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu dưới 2oC, nhằm tránh những hậu quả nghiêm trọng. Trong khi đó, IEA dự báo con số 32 Gt có thể “đạt được” vào cuối năm nay.
Các nhà khoa học cho hay chỉ có 50% cơ hội để đạt được mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu dưới 2oC và lượng khí thải cần giảm xuống muộn nhất là vào năm 2015 và sau đó cần bắt đầu giảm 3%/năm, bởi lượng cácbon điôxít được giữ trong khí quyển rất lâu. Theo các nhà khoa học, lượng khí thải từ thế kỷ 19 vẫn đang góp phần vào sự nóng lên toàn cầu hiện nay và trong tương lai.
Theo chuyên gia Tim Leunig thuộc Đại học Kinh tế Luân Đôn (Anh), có một lý do khiến hầu hết các chính phủ không thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc sử dụng xe đạp, đó là sự phụ thuộc lớn vào các nguồn thu từ thuế xăng dầu. Do đó, họ thường “háo hức” với việc xây dựng thêm đường xá, bởi thêm đường có nghĩa là nguồn thu từ thuế xăng sẽ tăng lên theo. Chính vì vậy, chuyên gia này khẳng định để thay đổi việc sử dụng phương tiện đi lại, hệ thống thuế cần phải thay đổi.
TKT