Thúc đẩy hoạt động của xe buýt điện ở Jakarta cũng hướng tới mục tiêu góp phần cải thiện chất lượng không khí và giảm ô nhiễm.
Jakarta là một trong những thủ đô đông đúc trên thế giới với hơn 10 triệu dân, nhưng thực tế có tới 32 triệu người sống ở Vùng Đô thị Jakarta.
Công nghệ xe buýt điện ở Indonesia không phát triển nhanh bằng các phương tiện chạy điện (EV) khác như ô tô và xe máy. Tuy nhiên, phương tiện giao thông công cộng sử dụng động cơ điện đã được ưu đãi một lần nữa trong năm nay. Chính phủ Indonesia thông qua Bộ Tài chính (PMK) đã quyết định ưu đãi 5% thuế cho xe buýt điện có mức linh kiện nội địa (TKDN) 20% và 10% cho xe buýt điện có TKDN ít nhất 40%.
Theo ông Beni Sukadis, Điều phối viên của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược Indonesia (Lesperssi), năng lượng sạch là mục tiêu của Indonesia nhằm thực hiện cam kết đạt lượng phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060.
Xe buýt điện tại Indonesia chưa phát triển mạnh, dù 2 năm gần đây đã tăng nhanh về số lượng. Tuy nhiên, đây là xu hướng tất yếu mà Jakarta theo đuổi và đã có nhiều hỗ trợ cụ thể về chính sách. Jakarta cũng đang nỗ lực xây dựng hệ thống giao thông công cộng xanh trong tương lai cho một thành phố thông minh và thân thiện với môi trường.
Trên đường phố, số lượng xe buýt điện hoạt động chưa nhiều so với các loại xe buýt thông thường khác. Tuy nhiên, Công ty dịch vụ vận tải công cộng Transportation Jakarta (Transjakarta) đang có kế hoạch tăng số lượng đội xe buýt điện lên khoảng 500 xe cỡ lớn và vừa trong 2 năm 2024 và 2025 theo từng giai đoạn. Việc bổ sung đội xe chạy bằng điện nhằm giảm lượng phát thải carbon để nỗ lực cải thiện chất lượng không khí ở Jakarta. Điều đó cũng sẽ góp phần thực hiện mục tiêu của Jakarta là thúc đẩy tỷ lệ phương tiện giao thông công cộng lên 60% cũng như điện hóa 100% đội xe của TransJakarta vào năm 2030.
Đội xe buýt điện của Transjakarta là dòng xe buýt sàn thấp, dài 12 mét, có thể chứa 60 hành khách. Xe sử dụng pin 324 kWh cho quãng đường di chuyển 250 km mỗi ngày. Mỗi pin cần sạc 1,5-2 giờ. Những chiếc xe buýt sàn thấp này cũng có tính năng sạc qua đêm.
Ở Jakarta, để sử dụng xe buýt, người dùng cần mua thẻ (loại thẻ cứng như thẻ ngân hàng). Anh Muhamad, nhân viên của nhà ga Blok M cho biết: Thẻ này có thể dùng cho các loại phương tiện công cộng nói chung, bao gồm cả xe bus thông thường, xe bus điện và tàu điện ngầm. Xe buýt điện hoạt động từ 5h sáng đến 11h đêm. Các máy bán thẻ tự động được lắp đặt phổ biến và tiện lợi ở tất cả các ga lớn (trừ các ga trên đường phố).
Khi lên xe, hành khách quẹt thẻ vào máy đọc ở đầu xe. Giá một lượt là 3.500 Rupiah (khoảng 5.000 đồng). Những khi đông khách, hành khách có thể nhanh chóng lên xe trước rồi sau đó ra quẹt thẻ. Mọi người đều tự giác thực hiện.
Trên hành trình chuyến xe buýt điện từ Blok M đi Pondok Labu, một người dân tên là Nunur cho biết: "Hằng ngày tôi đều đi làm bằng xe buýt điện vì tôi cảm thấy thoải mái khi ngồi xe này. Xe sạch sẽ cả bên trong và bên ngoài, vì nó không có khói, không gây ô nhiễm môi trường".
Còn một người dân tên là Merda cho biết bà đã nghỉ hưu và không thường xuyên đi lại hằng ngày. Vài lần một tuần, bà đến nhà con gái thăm các cháu và bà luôn chọn xe buýt điện. Bà chia sẻ rằng loại xe này mới có vài năm nay nhưng bà thích đi vì không có mùi xăng gây đau đầu và rất tiện lợi.
Khu vực bến xe buýt ở Blok M là bến khởi hành đầu tiên và cũng là điểm trả khách cuối cùng của nhiều tuyến xe, trong đó có 2 làn dành cho xe buýt điện. Các lái xe khi trả khách đều qua đội quản lý để báo cáo kết quả của chuyến. Mỗi chuyến kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ với hành trình 25 - 30km.