Phát biểu tại một cuộc họp của Đại hội đồng WTO, cơ quan ra quyết định chính của tổ chức này, bà Okonjo-Iweala nhấn mạnh việc tiếp cận công bằng với các công cụ chống dịch COVID-19 là "vấn đề kinh tế và đạo đức của thời đại chúng ta".
Trong những tháng qua, nhiều nước, đứng đầu là Ấn Độ và Nam Phi, đề xuất tạm thời miễn áp dụng những nghĩa vụ phát sinh từ Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) đối với vaccine ngừa COVID-19 để bất kỳ quốc gia nào cũng có thể sản xuất vaccine mà không cần lo lắng về bằng sáng chế.
Những ý kiến ủng hộ đề xuất này cho rằng điều này giúp tăng sản lượng vaccine tại các nước đang phát triển, nơi cho đến nay nhận được quá ít vaccine. Tuy nhiên, các hãng dược phẩm lớn cũng như các nước mà các hãng này đặt trụ sở đến nay vẫn phản đối gay gắt đề xuất này, khẳng định rằng bản quyền đối với vaccine không phải là rào cản chính ảnh hưởng đến sản lượng và cảnh báo động thái này có thể cản trở sáng tạo.
Bà Okonjo-Iweala không đưa ra quan điểm về việc này, song nhấn mạnh các nước cần nhất trí một cách giải quyết chung giúp giải quyết vấn đề tiếp cận vaccine.
Tổng giám đốc WTO nêu rõ: "Chính sách về vaccine là chính sách kinh tế vì sự phục hồi kinh tế toàn cầu không thể bền vững nếu chúng ta không tìm ra một cách để đảm bảo tiếp cận công bằng với vaccine cũng như với các liệu pháp điều trị và chẩn đoán bệnh".
Theo người phát ngôn WTO Keith Rockwell, các cuộc thảo luận trong ngày 5/5 về đề xuất "rất xây dựng", trong đó tất cả các bên có cùng một mục đích là phải tăng sản lượng vaccine và cải thiện hiệu quả cũng như sự công bằng trong phân phối.
Ông cho biết thêm rằng trên 40 đại diện các nước tham gia cuộc họp đã thừa nhận "không đủ vaccine cung cấp đến các nước đang phát triển". Theo người phát ngôn của WTO, dù các ý kiến về cách thức tốt nhất để tăng sản lượng không giống nhau nhưng không khí cuộc họp có tính chất xây dựng hơn các cuộc thảo luận trước đó.
WTO cho biết một cuộc họp có thể được tổ chức cuối tháng này để thảo luận về đề xuất trên trước khi một cuộc họp chính thức diễn ra đầu tháng 6 tới. Tổng Giám đốc Okonjo-Iweala bày tỏ hy vọng các bên có thể đạt thỏa thuận đáp ứng nguyện vọng của các nước thành viên đang phát triển liên quan đến vaccine.
Liên quan vấn đề trên, ngày 5/5, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố ủng hộ việc dỡ bỏ toàn cầu đối với các rào cản về bằng sáng chế vaccine ngừa COVID-19 và sẽ đàm phán các điều khoản tại WTO.
Cùng ngày, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hoan nghênh động thái trên của Mỹ, mô tả đây là một "quyết định lịch sử" và là một bước tiến tới công bằng về vaccine "ưu tiên sức khỏe cho mọi người dân ở bất cứ đâu vào thời điểm quan trọng này".