Trong phiên họp bàn tròn nhóm “1+6” ngày 24/11 của các nhà lãnh đạo 6 thể chế quốc tế bao gồm WTO, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), và Ban ổn định tài chính”, ông Wolff hối thúc tất cả các thành viên WTO, nhất là các thành viên lớn như Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản, bắt đầu tiến trình can dự nghiêm túc nhằm cải cách WTO.
Các vấn đề cơ bản WTO đang đối mặt xuất phát từ những nguyên nhân mang tính chính trị và ngoại giao. Bốn thành viên lớn nhất của WTO là EU, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản - vốn chiếm hơn 50% thương mại thế giới - có những “bất đồng địa chính trị” sâu sắc. Ông Wolff cho rằng nếu 4 thành viên này có thể tìm được lập trường chung, rất có khả năng các thành viên khác cũng sẽ đồng thuận.
Theo Phó Tổng giám đốc WTO, đàm phán cải cách WTO cần chú trọng vào 4 trọng tâm sau: i) Đàm phán thương mại điện tử phải dẫn đến một Hiệp định quốc tế sâu rộng, có thể đoán định và có các quy tắc thúc đẩy kinh tế toàn cầu tiếp tục tăng trưởng; ii) Hiệp định về công nghệ thông tin cần được cập nhật và nên bao gồm cả trang thiết bị y tế cần thiết nhằm ứng phó với đại dịch; iii) Đàm phán về Hiệp định hàng hóa môi trường cần được khôi phục và sớm đạt được một hiệp định; iv) Hiệp định về dược phẩm, cung cấp miễn thuế, nên được cập nhật phạm vi bao hàm và Trung Quốc cũng như những nước sản xuất dược phẩm chính nên tham gia với tư cách bên ký kết Hiệp định này và cần bổ sung thiết bị y tế vào phạm vi điều chỉnh của Hiệp định.
Liên quan đến Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Phó Tổng giám đốc WTO cho biết các thành viên WTO đang đối mặt với các thách thức như: Sử dụng thương mại để thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, tạo thuận lợi cho thương mại các sản phẩm thiết yếu ứng phó COVID-19 và cải cách các thể chế chi phối thương mại toàn cầu. Ông cũng kêu gọi các đại biểu tham dự Hội nghị này tích cực tham gia vào việc cải cách WTO.
Phiên họp bàn tròn nhóm “1+6” do Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường chủ trì.