Theo danh sách sơ bộ của Đại diện Thương mại Mỹ, các sản phẩm bị đánh thuế sẽ bao gồm các máy bay của Airbus, trực thăng, rượu vang, túi xách và cả pho mát. Tuy nhiên, trước khi Mỹ có thể áp bất cứ mức thuế nào theo kế hoạch, Cơ quan Giải quyết tranh chấp của WTO sẽ phải chính thức thông qua báo cáo trên của tổ trọng tài, thủ tục có thể mất từ 10 ngày đến 4 tuần. Phiên họp tới dự kiến vào ngày 28/10, song Washington có thể đề nghị một hội nghị đặc biệt 10 ngày sau khi báo cáo trên được công bố, như vậy quyết định có thể được đưa ra sớm nhất vào ngày 12/10.
Trước đó, năm 2004, Washington đã đề nghị WTO cho phép đánh thuế lên tới 11,2 tỷ USD nhằm vào hàng hóa của EU với cáo buộc EU trợ cấp trái phép cho Airbus. Hiện chưa rõ liệu Đại diện Thương mại Mỹ có thu hẹp danh sách các sản phẩm bị đánh thuế hay không sau khi WTO chỉ đồng ý với mức đánh thuế là 7,5 tỷ USD. Trong khi đó, Brussels cũng đề nghị WTO cho đánh thuế khoảng 10 tỷ USD hàng hóa Mỹ trong một tiến trình song song, mà dự kiến WTO sẽ ra quyết định vào năm tới.
Phán quyết của ủy ban trọng tài của WTO đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc tranh chấp kéo dài 15 năm qua giữa Airbus và Boeing, và báo hiệu nguy cơ gia tăng căng thẳng trong quan hệ thương mại xuyên Đại Tây Dương vốn đang căng thẳng. Các nhà sản xuất của EU hiện đang phải đối mặt với các mức thuế mới của Mỹ về nhôm và thép, trong khi Tổng thống Donald Trump cũng đe dọa đánh thuế vào ô tô và phụ tùng xe hơi của EU.
Giới chuyên gia cảnh báo bên cạnh tranh cãi về thuế Mỹ - Trung hơn một năm qua, việc Mỹ được đánh thuế EU được dự báo sẽ dẫn tới những mức thuế trả đũa khác của EU, đặt ra nhiều vấn đề mới đối với các doanh nghiệp và thị trường tài chính toàn cầu.
Trong một phản ứng, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết động thái của Mỹ áp đặt trừng phạt thương mại lên hàng hóa của EU sẽ "phản tác dụng" và có nguy cơ khiến cả hai bên đều thiệt hại. Về phần mình, hãng Airbus cho biết quyết định trên sẽ dẫn tới một cuộc chiến thương mại "đôi bên cùng thua". Airbus cũng công bố một đoạn băng nhấn mạnh những đóng góp của hãng cho nền công nghiệp Mỹ thông qua các nhà máy lắp ráp ở địa phương và 4.000 nhân công làm việc trực tiếp.