Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), WHO không khuyến khích các quốc gia cấp “giấy thông hành miễn dịch” cho những người hồi phục khỏi COVID-19, song cơ quan này đang xem xét triển vọng triển khai chứng nhận tiêm chủng điện tử giống như giấy chứng nhận đang thí điểm với Estonia.
Trên thực tế, khả năng người dân được tiêm vaccine ngừa COVID-19 đang ngày một lớn. Ngày 2/12, Anh là nước đầu tiên trên thế giới tiến hành chương trình tiêm chủng toàn quốc vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Đây cũng là chương trình tiêm chủng có quy mô lớn nhất của Anh kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai.
“Chúng tôi đang cân nhắc rất kỹ lưỡng về việc sử dụng công nghệ trong các hành động phản ứng COVID-19. Một trong số đó là chúng tôi có thể liên kết với các quốc gia thành viên để triển khai chương trình chứng nhận tiêm chủng điện tử”, Siddhartha Datta - Giám đốc chương trình về các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine của WHO tại Châu Âu - nói với giới phóng viên trong một cuộc gọi từ Copenhagen (Đan Mạch).
Estonia vào đầu năm nay đã bắt đầu thí điểm chương trình “hộ chiếu miễn dịch kỹ thuật số”, có khả năng theo dõi những người đã hồi phục khỏi COVID-19 và đã sản sinh miễn dịch. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra ở đây là phản ứng miễn dịch đó có tác dụng trong bao lâu.
Trong một tuyên bố ngày 3/12, một quan chức khác của WHO, bà Catherine Smallwood – quan chức cấp cao chương trình khẩn cấp của WHO tại châu Âu - cho biết cơ quan này đang tuân thủ quy định ngăn chặn việc sử dụng hộ chiếu miễn dịch như một phần để nối lại một số hoạt động đi lại xuyên biên giới.
Bà Smallwood cũng lên tiếng cảnh báo về xét nghiệm kháng nguyên nhanh mà một số hãng hàng không đang áp dụng cho hành khách trước khi lên máy bay hoặc khởi hành. Bà cho rằng phương pháp này không chính xác như xét nghiệm PCR phân tử và một số người có thể bị kiểm tra sót.