Phát biểu tại một hội thảo trực tuyến ở Nairobi, người phụ trách chương trình sẵn sàng cho các tình huống khẩn cấp của WHO, ông Ambrose Talisuna, cho biết: "Cần huấn luyện và chuẩn bị cho các nhân viên y tế châu Phi để tiêm phòng hiệu quả. Cũng cần thuyết phục các nhà hoạch định chính sách cũng như những người quản lý vaccine ở cấp quốc gia và địa phương cải thiện khả năng thực hiện miễn dịch cộng đồng chống virus SARS-CoV-2".
Theo ông Talisuna, WHO đã hỗ trợ việc huấn luyện cho nhân viên y tế châu Phi các kỹ năng quan trọng liên quan đến chiến dịch tiêm phòng, như việc bảo quản lạnh, logistics và phát hiện các tác dụng phụ khi tiêm. Dự án ECHO (hợp tác giữa WHO với sáng kiến quốc tế tập huấn chăm sóc y tế online) sẽ giúp xây dựng năng lực nhằm tạo điều kiện cho tiêm chủng hiệu quả tại châu Phi.
Ông Talisuna cho biết thêm rằng WHO sẽ thúc đẩy công nghệ và cải tiến để huấn luyện các nhân viên tiêm phòng, tạo điều kiện học hỏi lẫn nhau và chia sẻ kiến thức xuyên biên giới, qua đó giải quyết tình trạng thiếu thông tin vốn ngăn cản mọi người chấp nhận tiêm phòng. Ông cho biết hơn 30 nước châu Phi đã trình kế hoạch sẵn sàng tiêm vaccine của mình, đồng thời nhận định các nước châu Phi đang từng bước cải thiện khả năng sẵn sàng tiêm vcacine nhằm kiềm chế dịch và sớm trở lại bình thường.
Trong một diễn biến khác, Tunisia thông báo lùi thời gian bắt đầu tiêm phòng đại trà đến tháng 3 tới. Trước đó, chính phủ nước này đã thông báo dự định tiêm 94.000 liều đầu tiên bằng vaccine của hãng Pfizer/BioNTech và AstraZeneca/Oxford từ giữa tháng này. Tuy nhiên, truyền thông địa phương dẫn lời thành viên ủy ban vaccine quốc gia Ahlem Gzara phát biểu tại quốc hội ngày 17/2 cho biết những liều vaccine đầu tiên sẽ đến vào tháng 3 tới.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Faouzi Mehdi cho biết Tunisia sẽ không có vaccine trước khi quốc hội thông qua luật về việc nhà nước sẽ thanh toán mọi chi phí cho những vấn đề có thể xảy ra liên quan đến người được tiêm vaccine. Theo ông Mehdi, đây là những điều kiện mà các nhà sản xuất vaccine yêu cầu trước khi giao vaccine. Dự thảo luật chứa cam kết trên đã được nội các thông qua trong một phiên họp ngày 16/2 và được gửi lên quốc hội xem xét.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, Senegal dự kiến sẽ nhận 200.000 liều vaccine của hãng Sinopharm (Trung Quốc), loại vaccine được thông báo đạt hiệu quả 79% và cũng đang được vận chuyển tới các nước châu Phi khác như Zimbabwe, quần đảo Saychelles, Ai Cập và Guinea Xích đạo. Tổng thống Senegal, Macky Sall cam kết bắt đầu chiến dịch tiêm phòng đại trà trong tháng 2 này.
Các nhân viên y tế sẽ được tiêm đầu tiên cùng với người trên 60 tuổi mắc các bệnh lý nền. Truyền thông địa phương cho biết chính phủ đã chi tương đương 3,9 triệu USD để mua vaccine của Sinopharm. Bên cạnh đó, Senegal cũng sẽ được nhận vaccine của hãng AstraZeneca/Oxford thông qua cơ chế vaccine (COVAX) của WHO.
Tại châu Phi, Maroc và Algeria đã bắt đầu chiến dịch tiêm phòng từ cuối tháng 1, sử dụng vaccine của hãng AstraZeneca/Oxford và vaccine Sputnik V của Nga.