Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh có nhiều lo ngại khi các nhà sản xuất đang đẩy nhanh quá trình bào chế vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, căn bệnh đã cướp đi sinh mạng của hơn 870.000 người và khiến hơn 26 triệu người mắc bệnh.
Theo các quy trình thông thường, phải mất nhiều tháng hoặc nhiều năm để khẳng định rằng một vaccine tiềm năng nào đó là an toàn và hiệu quả. Nhưng đại dịch COVID-19 đang tiếp tục hoành hành, gây sức ép lớn phải nhanh chóng tìm ra một loại vaccine phòng ngừa, làm dấy lên lo ngại rằng các tiêu chuẩn xét nghiệm có thể bị hạ thấp. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: "WHO sẽ không phê chuẩn một vaccine nào không hiệu quả và an toàn".
Phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến, ông Ghebreyesus cho biết hiện có hơn 30 "ứng cử viên" vaccine đang được thử nghiệm lâm sàng, trong đó ít nhất 8 loại đang trong giai đoạn 3, cũng là giai đoạn cuối cùng được thử nghiệm trên hàng chục nghìn người để khẳng định độ an toàn và hiệu quả của vaccine.
Tại cuộc họp báo trên, trưởng nhóm các nhà khoa học của WHO, bà Soumya Swaminathan nhận định "rất đáng lạc quan vì có một lượng lớn vaccine tiềm năng" đang được thử nghiệm, song nhấn mạnh chỉ khoảng 10% đang có tín hiệu thành công. Bà giải thích "tốc độ bào chế vaccine ngừa COVID-19 nhanh chưa từng thấy" phần lớn là nhờ các đầu tư trước đó cho các loại vaccine phòng các bệnh khác, giờ được sử dụng để phòng COVID-19. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh rằng các nhà sản xuất không nên bỏ qua các bước cần thiết trong quá trình thử nghiệm.
Bà Swaminathan khẳng định: "Sẽ không có vaccine nào được triển khai hàng loạt trước khi các nhà quản lý, các chính phủ và WHO chắc chắn rằng các vaccine này đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu về an toàn và hiệu quả".
Liên quan đến việc phân phối vaccine, Tổng Giám đốc Ghebreyesus cho biết: "Phải ưu tiên tiêm phòng cho các nhân viên y tế nơi tuyến đầu và những người có nguy cơ cao nhất. Nói cách khác là cần ưu tiên tiêm phòng cho một số đối tượng tại tất cả các nước, thay vì tiêm cho tất cả mọi người ở một số nước".
Trước đó, WHO đã thiết lập một cơ chế mang tên COVAX nhằm đảm bảo phân phối vaccine công bằng hơn, song hiện vẫn khó khăn trong việc gây quỹ để cung cấp vaccine cho 92 nước nghèo đã đăng ký. Tuy nhiên, ông Ghebreyesus hoan nghênh các quốc gia và nền kinh tế có thu nhập trên trung bình và cao đã khẳng định tham gia COVAX, trong đó có Đức, Nhật Bản, Na Uy và Ủy ban châu Âu (EC) trong tuần trước.
Ông nhấn mạnh trong một thế giới kết nối tương tác, "virus sẽ tiếp tục giết người và kìm hãm đà phục hồi kinh tế toàn cầu" nếu các nước nghèo hơn không được tiếp cận với vaccine. Sự chia sẻ công bằng "không chỉ là cần thiết khẩn cấp xét về mặt đạo đức, y tế cộng đồng mà còn về kinh tế". Tổng Giám đốc Ghebreyesus phê phán mạnh mẽ “chủ nghĩa dân tộc trong lĩnh vực vaccine”, cho rằng tư tưởng này sẽ chỉ làm chậm lại công tác ứng phó với đại dịch.