Giám đốc Văn phòng khu vực Đông Địa Trung Hải của WHO, Ahmed Al-Mandhari, cho biết số ca COVID-19 mới ở khu vực Trung Đông tăng ở mức trung bình 110.000 ca/ngày trong 6 tuần qua, trong khi số ca tử vong vì dịch bệnh tăng ở mức trung bình 345 ca/ngày trong 3 tuần qua. Đến nay, mới có hơn 35% dân số ở khu vực trên đã tiêm đủ liều vaccine cơ bản, trong khi đó khoảng 1/4 số quốc gia và vùng lãnh thổ có độ bao phủ vaccine chưa đạt 10%.
* Giáo sư Eral Segal tại Viện Khoa học Weizmann của Israel ngày 9/2 cho biết số ca mắc mới COVID-19 bị biến chứng nặng, cũng như các ca nặng đang điều trị trong bệnh viện tại nước này đã giảm trong ngày thứ 3 liên tiếp, cho thấy khả năng làn sóng dịch bệnh hiện nay đã qua mức đỉnh và đang đi xuống.
Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, Giáo sư Segal cho biết tính đến sáng 9/2 tại Israel, số bệnh nhân mới có các triệu chứng nặng ở mức 155 ca/tuần, giảm 11% so với mức đỉnh 175 ca/tuần. Số ca mắc mới được ghi nhận chính thức cũng giảm 40% so với mức đỉnh cách đây 2 tuần.
Thống kê của Bộ Y tế Israel cho thấy trong 24 giờ qua, nước này có thêm 37.559 ca mắc mới, giảm trên 1.000 ca so với ngày 8/2. Số bệnh nhân nặng ổn định ở mức 1.164 ca. Tỷ lệ xét nghiệm cho kết quả dương tính ở mức 24,25%.
* Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) thông báo sẽ dỡ bỏ dần dần các biện pháp hạn chế được áp đặt trước đó nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19.
Hãng thông tấn nhà nước WAM của UAE ngày 9/2 đã đưa ra thông báo trên trong bối cảnh số ca nhiễm mới và nhập viện ở nước này đang trên đà giảm. Theo đó, nhiều địa điểm sẽ được phép hoạt động hết công suất từ giữa tháng 2 này.
Trong suốt đại dịch, UAE là một trong những nước kiên cường nhất khi đối mặt với các biến thể của virus SARS-CoV-2 luôn biến đổi, với tỷ lệ tiêm chủng cao hàng đầu thế giới và xét nghiệm rộng khắp, giá vừa phải.
Trên thực tế, UAE hiện đứng đầu bảng xếp hạng của Bloomberg về khả năng chống chịu dịch COVID-19 trong số 53 quốc gia được xếp hạng theo 12 chỉ số như chất lượng y tế, tỷ lệ tử vong do virus và mở cửa cho đi lại trở lại.