Theo WHO, CHDC Congo là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với sự lan truyền của cả hai phân nhóm I của virus mpox. Nhìn chung, biểu đồ về các ca nghi mắc bệnh tại 12 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nhất cho thấy quy mô dịch bệnh khác nhau, nhưng hầu hết các tỉnh, xu hướng trong những tuần gần đây có vẻ ít thay đổi.
Tại các tỉnh có cả nhóm Ia và nhóm Ib, trong đó có thủ đô Kinshasa, xu hướng các ca nghi nhiễm cũng ít thay đổi trong vài tháng qua. WHO cho rằng dù tình hình ở CHDC Congo có vẻ không tăng, nhưng vẫn đáng lo ngại vì virus vẫn lây lan ở mức cao và liên tục.
Từ tháng 1/2024-1/2025, hơn 14.700 trường hợp mắc mpox đã được phát hiện tại 20 quốc gia châu Phi, trong đó có 66 ca tử vong. CHDC Congo có 9.513 ca nhiễm và 43 ca tử vong, trong khi Burundi có 3.035 ca nhiễm và 1 ca tử vong, còn Uganda có 1.552 ca nhiễm và 12 ca tử vong.
Trong một diễn biến khác, ngày 13/1, Sierra Leone đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng liên quan bệnh mpox. Theo đó, nước này đang tăng cường giám sát và xét nghiệm tại biên giới, đồng thời phát động chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng trên toàn quốc, sau khi phát hiện 2 ca mắc bệnh trong nước hồi đầu tuần trước. Đây là 2 ca mắc đầu tiên kể từ khi WHO nâng mức cảnh báo toàn cầu về căn bệnh này lên mức cao nhất vào năm ngoái.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế nước này Austin Demby khẳng định hệ thống y tế có đủ khả năng ứng phó với dịch bệnh, với kinh nghiệm ứng phó với các đợt bùng phát dịch Ebola và COVID-19 trước đây, đồng thời kêu gọi người dân giữ bình tĩnh, thường xuyên cập nhật thông tin và báo cáo ngay các ca nghi nhiễm cho các cơ quan y tế.
Mpox do một loại virus cùng họ với bệnh đậu mùa gây ra, với triệu chứng sốt cao và tổn thương da (mụn nước). Bệnh này lần đầu tiên được phát hiện tại CHDC Congo vào năm 1970 và thường chỉ phát tán ở một số quốc gia châu Phi, nhưng đã bắt đầu lây lan rộng hơn vào năm 2022, kể cả sang các nước phát triển.
Trong khi đó, Sierra Leone là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Ebola, căn bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu vực Tây Phi với khoảng 4.000 người tử vong, trong đó có gần 7% nhân viên y tế trong khoảng thời gian từ năm 2014 - 2016.