WHO ước tính trên toàn thế giới có khoảng 135 triệu nhân viên y tế, trong đó khoảng 80.000-180.000 người đã thiệt mạng vì COVID-19 trong giai đoạn từ tháng 1/2020-5/2021. WHO nhấn mạnh thực trạng hàng triệu nhân viên y tế chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19, theo đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các nước ưu tiên tiêm chủng cho lực lượng này. Ông cũng phê phán tình trạng bất công trong tiếp cận vaccine.
Ông Ghebreyesus dẫn số liệu từ 119 quốc gia cho thấy tính trung bình trên toàn thế giới cứ 5 nhân viên y tế thì 2 người đã được tiêm chủng đầy đủ. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh đây là con số trung bình, trên thực tế có những sự chênh lệch giữa các nước và khu vực. Theo Tổng Giám đốc WHO, chưa đến 1/10 số nhân viên y tế tại châu Phi được tiêm chủng đầy đủ, trong khi tỷ lệ này tại các nước thu nhập cao lên tới hơn 80%.
Số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy tại các quốc gia thu nhập cao, tỷ lệ tiêm chủng là 133 mũi tiêm/100 người dân, so với chỉ 5 mũi tiêm/100 dân ở 29 quốc gia có thu nhập thấp nhất.
Ngoài vấn đề tiêm chủng, bà Annette Kennedy, Chủ tịch Hội đồng điều dưỡng quốc tế (ICN) dự báo ít nhất khoảng 10% nhân lực sẽ rút khỏi ngành y do tình trạng quá tải, suy kiệt cả về thể xác lẫn tinh thần.
Đại sứ của WHO về vấn đề tài chính y tế toàn cầu, cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown nhận định rằng Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), diễn ra vào 30-31/10 tới tại Rome (Italy), sẽ là một điểm mấu chốt trong cuộc chiến chống đại dịch.
Trong dự báo mới đây nhất, WHO cảnh báo nguy cơ sẽ có thêm 200 triệu ca mắc mới, trong đó 5 triệu ca có nguy cơ tử vong.