Trong một báo cáo công bố cùng ngày, Hội đồng Khoa học WHO cho rằng nghiên cứu trình tự ADN và chức năng của gene có thể đóng góp đáng kể vào việc cải thiện sức khỏe con người.
Nhà khoa học thuộc WHO Somya Swaminathan cho biết các công nghệ gene đang thúc đẩy một số nghiên cứu mang tính đột phá nhất hiện nay. Theo bà, những công cụ này sẽ không phát huy hiệu quả cao nhất trừ khi các quốc gia trên thế giới cùng triển khai.
Nghiên cứu toàn hệ gene (Genomics) bao gồm nghiên cứu tất cả hoặc một phần thông tin trình tự di truyền của các sinh vật sống và tìm hiểu cấu trúc cũng như chức năng của các trình tự đó. Các nhà khoa học cho rằng việc đẩy mạnh nghiên cứu hệ gene sẽ cung cấp các phương tiện hiệu quả, tiết kiệm chi phí và giúp ngăn chặn cũng như chẩn đoán, điều trị các bệnh.
Theo Chủ tịch Hội đồng Khoa học WHO, Giáo sư Harold Varmus, nghiên cứu hệ gene có thể mang lại đóng góp lớn cho sức khỏe con người, từ việc tìm ra các tác nhân lây bệnh, như virus gây bệnh COVID-19, đến dự đoán và điều trị nhiều loại bệnh, chẳng hạn như ung thư và rối loạn phát triển. Dữ liệu giải trình tự bộ gene đã trở thành cơ sở cho việc giám sát trên toàn thế giới về cách thức virus SARS-CoV-2 phát triển và các biến thể mới xuất hiện. Không chỉ vậy, dữ liệu giải trình tự bộ gene cũng được sử dụng trong việc nghiên cứu và sản xuất vaccine.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra thực trạng bất bình đẳng hiện nay khi những nước nghèo hơn thường tụt lại phía sau so với các quốc gia giàu có trong việc tiếp cận với các công nghệ nghiên cứu gene. Báo cáo kêu gọi mở rộng việc tiếp cận với các công nghệ gene bên ngoài các quốc gia giàu có nhất bằng việc giải quyết sự thiếu hụt tài chính, hạ tầng phòng xét nghiệm, đội ngũ nhân viên được đào tạo chuyên sâu.
Hội đồng Khoa học WHO được thành lập vào tháng 4/2021 với nhiệm vụ tư vấn cho Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus những phát triển khoa học, kỹ thuật có thể cải thiện y tế toàn cầu.