WHO hướng đến Trung Quốc và Ấn Độ để tăng số lượng vaccine COVID-19

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tìm đến Trung Quốc và Ấn Độ với kỳ vọng hai quốc gia này hỗ trợ tăng số lượng vaccine phòng COVID-19 dành cho các nước đang phát triển.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuẩn bị mũi tiêm vaccine COVID-19 tại Medan, Indonesia. Ảnh: EPA

Trong thời gian qua, WHO đã nhiều lần kêu gọi chia sẻ bằng sáng chế vaccine COVID-19 để tăng nguồn cung và đảm bảo tiếp cận công bằng đối với các nước đang phát triển.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết đến nay, các công ty dược lớn lại thờ ơ với lời kêu gọi này, trong đó có Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson và AstraZeneca.

Mặc dù có lạc quan cho rằng các công ty dược phương Tây sẽ chia sẻ công nghệ nhưng WHO lại đang tìm đến Trung Quốc và Ấn Độ. Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào nghiên cứu và điều chế vaccine kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Trong khi đó, Ấn Độ là nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới sử dụng công nghệ phương Tây.

Người đứng đầu cơ quan sở hữu trí tuệ của đơn vị phụ trách tiếp cận sản phẩm y tế và thuốc của WHO, bà Erika Dueñas Loayza đánh giá: “Trong trường hợp của Trung Quốc, chúng tôi đã liên hệ với 2 công ty lớn sản xuất vaccine được WHO công nhận”.

Theo đó, Sinopharm và Sinovac của Trung Quốc đều sở hữu vaccine phòng COVID-19 đã được WHO thông qua sử dụng khẩn cấp. Trung Quốc là nhà cung cấp vaccine COVID-19 lớn nhất cho các nước đang phát triển, chủ yếu thông qua thỏa thuận thương mại song phương.

Bà Loayza tiết lộ rằng WHO đã liên lạc với phái bộ của Trung Quốc tại Geneva cũng như trao đổi trực tiếp với Sinopharm cùng Sinovac về khả năng hai doanh nghiệp này chia sẻ công nghệ và bằng sáng chế qua C-TAP – nền tảng chia sẻ dữ liệu, công nghệ, sở hữu trí tuệ của WHO đối với điều trị, xét nghiệm và vaccine COVID-19.

Theo bà Loayza, cơ chế này tạo điều kiện để các công ty dược linh hoạt trong quyệt định quốc gia nào họ sẵn sàng chia sẻ công nghệ.

Bà nêu rõ: “Chúng tôi đề nghị họ chia sẻ công nghệ qua C-TAP. Và tất nhiên việc chia sẻ này không miễn phí mà đổi lại có phí bản quyền. Chúng ta chỉ đóng vai trò vạch đường cho các nhà sản xuất và giúp họ giám sát các thỏa thuận công nghệ bởi C-TAP không chỉ liên quan đến sở hữu trí tuệ mà còn về phương pháp”.

Theo bà Loayza, cả Sinopharm và Sinovac đều thể hiện quan tâm đến chia sẻ công nghệ ở giai đoạn đầu và sẵn sàng đạt thỏa thuận song phương với các quốc gia. Nhà sản xuất dược Bharat Biotech của Ấn Độ cũng đề xuất công nghệ của đơn vị này với C-TAP và WHO đang thảo luận về thỏa thuận với Bharat Biotech.

Trung Quốc đã ký thỏa thuận song phương sản xuất vaccine tại Ai Cập, Indonesia, Pakistan và Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất. Khi thế giới lo lắng về sự xuất hiện của biến chủng Omicron thì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết trong năm 2022 cung cấp thêm 1 tỷ liều vaccine phòng COVID-19 cho châu Phi.

Theo bà Loayza, việc chia sẻ công nghệ vaccine COVID-19 nên được tăng tốc, không chỉ để chuẩn bị cho biến chủng Omicron mà còn đối với các biến thể khác trong tương lai.

Hà Linh/Báo Tin tức
Thủ tướng Nhật Bản cam kết chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất của dịch COVID-19
Thủ tướng Nhật Bản cam kết chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất của dịch COVID-19

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 6/12, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cam kết “chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất” khi đối phó với biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2, trong khi vẫn đẩy nhanh nỗ lực nhằm đưa nền kinh tế nước này trở lại quỹ đạo tăng trưởng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN