Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 14/3 đã lên tiếng cảnh báo về thực trạng trên.
Người đứng đầu WHO nhấn mạnh đến vai trò "xương sống" của nhân viên y tế trong toàn hệ thống y tế, tuy nhiên bày tỏ quan ngại trước thực tế là hiện có tới 55 nước, trong đó có một số nước có hệ thống y tế yếu nhất thế giới, không có đủ nhân lực và thậm chí còn bị mất đi nhiều "chất xám" do người lao động dịch chuyển ra nước ngoài.
Danh sách các nước thuộc diện dễ bị tổn thương do thiếu nhân lực ngành y được WHO cập nhật có thêm 8 nước so với thống kê năm 2020, gồm có Comoros, Rwanda, Zambia, Zimbabwe, Timor Leste, Lào, Tuvalu và Vanuatu.
Ông Jim Campbell, Giám đốc bộ phận lực lượng y tế của WHO nhấn mạnh sự cần thiết phải có biện pháp bảo đảm để giúp các quốc gia trong danh sách trên tiếp tục xây dựng lại và phục hồi hệ thống y tế sau dịch bệnh mà không để mất thêm nhân lực. Ông coi việc bảo vệ nguồn nhân lực là nhiệm vụ cấp thiết để đảm bảo người dân được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Theo WHO, những điểm đến thu hút lao động di cư ngành y tế là các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và các nước vùng Vịnh, tuy nhiên, sự cạnh tranh giữa các nước châu Âu đang ngày càng tăng cao. Quan điểm của WHO không phản đối lao động di cư, song cho rằng vấn đề này cần quản lý chặt chẽ. Năm 2010, cơ quan này từng phát hành bộ quy tắc thực hành về tuyển dụng y tế quốc tế và kêu gọi các thành viên tuân thủ.