Theo thông báo của WHO, tình hình dịch bệnh tại Campuchia đã bước vào thời điểm nghiêm trọng khi số ca lây nhiễm trong cộng đồng và tử vong bất ngờ tăng cao.
Đại diện WHO tại Campuchia, bà Li Ailan nhấn mạnh những ca lây nhiễm mới tại Campuchia được ghi nhận hằng ngày và nếu nước này không chặn đứng được đợt bùng phát đang diễn ra thì toàn bộ hệ thống y tế có nguy cơ bị nhấn chìm, gây ra những hậu quả thảm khốc.
Cùng với việc đưa ra những cảnh báo, bà Li Ailan cũng đánh giá cao một loạt biện pháp mà Chính phủ Campuchia vừa ban bố nhằm ngăn chặn tình trạng lây nhiễm, trong đó có việc cho điều trị tại nhà những ca lây nhiễm triệu chứng nhẹ, cấm đi lại giữa các tỉnh và giới nghiêm ban đêm. Đại diện WHO cũng khuyến cáo người dân Campuchia nên ở trong nhà vào dịp Tết truyền thống Khmer Chol Chhnam Thmey (từ ngày 14 - 16/4 tới) để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.
Cùng ngày 11/4, Chính phủ Campuchia đã ban hành sắc lệnh 8 điều về tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 bắt buộc đối với các quan chức chính phủ và lực lượng vũ trang. Sắc lệnh cũng cảnh báo những trường hợp trốn tránh tiêm chủng sẽ bị kỷ luật, đồng thời giải thích rõ sắc lệnh không áp dụng với những cá nhân không thể tiêm chủng vì lý do sức khỏe, nhưng phải có giấy chứng nhận của cơ quan y tế.
Trước đó, trong một thông điệp gửi cả nước tối 10/4, Thủ tướng Campuchia Hun Sen thông báo nước này sẽ nhận thêm hơn 8 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 theo kế hoạch từ nay đến cuối năm 2021 gồm: 500.000 liều (ngày 17/4); 1,5 triệu liều (tháng 5/2021); 3 triệu liều (tháng 6/2021); 2 triệu liều (tháng 7/2021) và 1 triệu liều (tháng 8/2021).
Tính đến nay, Campuchia đã tiêm chủng ngừa COVID-19 cho 678.406 người dân và 216.903 quân nhân. Campuchia hiện sử dụng 3 loại vaccine ngừa COVID-19 gồm Sinopharm, AstraZeneca/SII (COVISHIELD) và Sinovac.
Tổng số ca mắc COVID-19 tại Campuchia đến nay là 4.238 người, trong đó 2.152 ca đã bình phục và 29 trường hợp tử vong.