Theo đó, WHO cảnh báo nguy cơ mắc bệnh cao hơn ở những người thuộc nhóm này so với người dân nước sở tại, đồng thời bác bỏ quan niệm cho rằng người di cư và tỵ nạn mang đến những căn bệnh lạ cho cộng đồng dân cư địa phương.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, trong báo cáo này, WHO nêu lên trực trạng chính phủ các nước châu Âu đang chật vật đối phó với làn sóng người di cư và tỵ nạn - những người bị gán tội là gián tiếp lây lan mầm bệnh lạ cho cộng đồng dân cư nước sở tại. Hiện người di cư quốc tế chiếm khoảng 10% dân số châu Âu, tức là khoảng 90 triệu người, trong khi số người tỵ nạn chiếm khoảng 7,4%.
Giám đốc khu vực châu Âu của WHO, bà Zsuzsanna Jakab khẳng định những người tị nạn và người di cư đến châu Âu không mang theo bất kỳ căn bệnh kỳ lạ nào. Theo bà, các bệnh mà người di cư và tỵ nạn có thể mắc phải là những bệnh đã xuất hiện ở châu Âu và WHO cũng có các chương trình phòng ngừa, kiểm soát rất tốt đối với các bệnh này, bao gồm cả bệnh lao và HIV/AIDS.
Cũng trong báo cáo trên, WHO chỉ ra rằng người di cư và tỵ nạn có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn so với cộng đồng dân cư nước sở tại do sức khỏe kém, trong đó có một số căn bệnh như bệnh tiểu đường; các bệnh truyền nhiễm; bệnh trầm cảm và lo lắng. Người di cư và tỵ nạn có tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong cao hơn ở bệnh tiểu đường, đặc biệt là ở phụ nữ. Ngoài ra, còn có các căn bệnh khác như bệnh trầm cảm và lo lắng, có xu hướng ảnh hưởng đến người tị nạn và người di cư nhiều hơn cộng đồng dân cư nước sở tại ở châu Âu, nhất là với số trẻ vị thành niên không có người thân đi cùng. Nguyên nhân được WHO chỉ ra là do người di cư và tỵ nạn không được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế hoặc chăm sóc y tế bị gián đoạn và điều kiện sống tồi tệ khi di chuyển.
Báo cáo của WHO dựa trên đánh giá của hơn 13.000 tài liệu về sức khỏe của người tỵ nạn và người di cư ở khu vực châu Âu, cung cấp một góc nhìn về tình hình của người di cư và tỵ nạn, nhất là trong thời điểm mà tình hình di cư quốc tế đang gia tăng. Bà Jakab nhấn mạnh cách tốt nhất để bảo vệ cộng đồng dân cư nước sở tại là tạo điều kiện để người di cư và tỵ nạn tiếp cận được với các dịch vụ trong hệ thống y tế của nước sở tại.
Khu vực châu Âu mà WHO đề cập đến bao gồm 53 quốc gia, với tổng dân số gần 920 triệu người.