Theo báo cáo của WB, các nước Nam Á và khu vực Sahara phía Nam châu Phi sẽ “đóng góp” lượng rác thải lớn nhất.
Báo cáo dự báo tốc độ tăng rác thải sẽ vượt tốc độ tăng dân số và vọt lên 3,4 tỷ tấn vào năm 2050, so với mức 2 tỷ tấn năm 2016. Báo cáo chỉ ra rằng 1/3 lượng rác thải trên toàn cầu đã bị “thẳng tay” ném bỏ mà không hề qua xử lý. Trước tình hình này, báo cáo cho rằng các quốc gia có thể thu được lợi ích về kinh tế cũng môi trường thông qua việc thu gom, tái chế và xử lý rác thải.
Bà Silpa Kaza, chuyên gia của WB và tác giả chính của báo cáo trên, dự báo vào năm 2050 lượng rác thải tại các nước Nam Á sẽ tăng gấp đôi và tại khu vực Sahara phía Nam châu Phi sẽ tăng gấp ba lần. Bà Kaza cảnh báo nếu không có bất kỳ hành động nào, kịch bản này sẽ có tác động đáng kể đến sức khỏe, môi trường, đời sống cũng như khả năng sản xuất.
Theo bà Kaza, gánh nặng do sự “bùng nổ” rác thải có thể làm gia tăng tình trạng biến đổi khí hậu, khi mức độ xả rác hiện nay “góp” khoảng 5% lượng khí thải gây ô nhiễm. Báo cáo trên chỉ ra rằng thúc đẩy việc tái chế và giảm lượng tiêu dùng đồ nhựa và lãng phí thực phẩm có thể giúp giảm bớt lượng rác thải. WB tính toán rằng đồ nhựa chiếm 12% tổng lượng rác thải.
Báo cáo của WB cho biết các quốc gia có thu nhập cao, vốn chỉ chiếm 16% lượng dân số toàn cầu, đang “đóng góp” 1/3 lượng rác thải thế giới, còn các quốc gia Đông Á và Thái Bình Dương "xả" 1/4 lượng rác thải.