Trong tuyên bố đăng tải trên website của mình hôm 30/4/2025, Bộ Tài chính Mỹ nhấn mạnh: ẽ không một quốc gia hay cá nhân nào từng tài trợ hoặc cung cấp cho cỗ máy chiến tranh của Nga được phép hưởng lợi từ quá trình tái thiết Ukraine”. Ảnh chụp màn hình
Tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ hôm 30/4 đăng tải trên website cơ quan này cho hay cùng ngày Washington và Kiev đã ký thỏa thuận đối tác kinh tế mang tính lịch sử, thành lập Quỹ Đầu tư Tái thiết Mỹ - Ukraine.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, quan hệ đối tác kinh tế này nhằm tạo điều kiện để hai nước hợp tác và cùng đầu tư nhằm đảm bảo rằng các nguồn lực, tài năng và năng lực chung của hai nước có thể thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế của Ukraine. Cả Mỹ và Chính phủ Ukraine đều mong muốn nhanh chóng đưa quan hệ đối tác kinh tế mang tính lịch sử này đi vào hoạt động, vì lợi ích của người dân hai nước
Trong tuyên bố, Bộ Tài chính Mỹ dẫn phát biểu của Bộ trưởng Scott Bessent nhấn mạnh thoả thuận được ký kết gửi tín hiệu rõ ràng tới Liên bang Nga rằng: “Chính quyền Trump cam kết theo đuổi một tiến trình hòa bình dựa trên nền tảng một Ukraine tự do, có chủ quyền và thịnh vượng trong dài hạn”.
Ông Bessent khẳng định: “Sẽ không một quốc gia hay cá nhân nào từng tài trợ hoặc cung cấp cho cỗ máy chiến tranh của Nga được phép hưởng lợi từ quá trình tái thiết Ukraine”.
Trước đó cùng ngày, theo báo The Kyiv Post, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết Kiev đã “phê duyệt các quyết định cần thiết để ký kết thỏa thuận” với Washington về tài nguyên dưới lòng đất và thành lập Quỹ Đầu tư Tái thiết như một phần của thỏa thuận này.
Theo cập nhật trên kênh Telegram ngày thứ Năm (1/5) của Thủ tướng Shmyhal, thỏa thuận Mỹ–Ukraine sẽ dựa trên các nguyên tắc: bình đẳng, quyền sở hữu của Ukraine đối với tài nguyên và cơ sở hạ tầng, không có nợ, phù hợp với mục tiêu gia nhập Liên minh châu Âu (EU), và điều khoản “take-or-pay” (cam kết mua sản phẩm hoặc bồi thường) dành cho các nhà đầu tư được đảm bảo.
Trong một bản cập nhật khác trên Telegram, nghị sĩ Ukraine Yaroslav Zheleznyak cho biết tuyên bố của ông Shmyhal đồng nghĩa với việc Kiev đã hoàn tất công tác chuẩn bị, và Phó Thủ tướng thứ nhất kiêm Bộ trưởng Kinh tế Ukraine – bà Yuliia Svyrydenko – có thể tiến hành ký kết thỏa thuận.
Trên thực tế, theo báo The Kyiv Independent sang 1/5, bà Svyrydenko đã đến Washington từ sáng thứ Tư (30/4) để ký thỏa thuận khung thay mặt cho Ukraine và và đã ký văn kiện cùng với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent.
Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết thỏa thuận cuối cùng dựa trên 5 nguyên tắc chính:
Bình đẳng: Quỹ sẽ được thành lập trên cơ sở 50/50, với quyền biểu quyết ngang nhau từ cả hai bên.
Duy trì quyền kiểm soát: Ukraine giữ toàn quyền kiểm soát các tài nguyên dưới lòng đất, cơ sở hạ tầng và tài sản thiên nhiên.
Đầu tư mới, không phải nợ: Thỏa thuận không bao gồm bất kỳ nghĩa vụ nợ nào.
Nhà đầu tư và người mua được đảm bảo: Quỹ sẽ đầu tư vào các dự án và bảo đảm tiêu thụ sản phẩm theo các điều khoản “take-or-pay”.
Phù hợp với tiến trình hội nhập EU: Thỏa thuận không cản trở con đường gia nhập EU của Ukraine.
“Chính phủ đã phê duyệt các quyết định cần thiết để ký thỏa thuận giữa Ukraine và Mỹ về việc thành lập Quỹ Đầu tư Tái thiết”, ông Shmyhal viết.
Theo lời ông Shmyhal, Quỹ Đầu tư Tái thiết sẽ được cấp vốn từ cả phía Mỹ và Ukraine. Lợi nhuận từ quỹ sẽ chỉ được tái đầu tư vào Ukraine.
“Nhờ thỏa thuận này, chúng tôi sẽ có thể thu hút nguồn lực đáng kể cho tái thiết, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tiếp cận các công nghệ tiên tiến từ các đối tác và nhà đầu tư chiến lược – Mỹ”, ông Shmyhal nói thêm.
Phó Thủ tướng Thứ nhất Ukraine, bà Yulia Svyrydenko, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent, cùng các quan chức khác đã tham dự lễ ký kết thỏa thuận về khoáng sản chiến lược giữa Ukraine và Mỹ tại Washington, D.C., vào ngày 30/4/2025. Ảnh: Yulia Svyrydenko/X
Những điều chúng ta biết về thỏa thuận cuối cùng:
Theo bản dự thảo của thỏa thuận khoáng sản quan trọng được báo The Kyiv Post tiếp cận, Ukraine sẽ giữ toàn quyền sở hữu tất cả tài sản, bao gồm tài nguyên dưới lòng đất. Việc chia sẻ doanh thu sẽ chỉ áp dụng đối với các giấy phép khai thác mới, không áp dụng cho các hợp đồng cũ.
Lợi nhuận từ các ngành khoáng sản chiến lược, dầu mỏ và khí đốt sẽ được đưa vào quỹ, nhưng các công ty nhà nước như Ukrnafta vẫn sẽ nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine.
Quỹ sẽ tài trợ cho các hoạt động tái thiết, với sự đóng góp từ cả hai bên, bao gồm cả viện trợ quân sự trong tương lai của Mỹ như hệ thống phòng không, một điểm mới đáng chú ý so với dự thảo trước đây.
Tất cả các quỹ từ thỏa thuận sẽ chỉ được đầu tư vào Ukraine, mặc dù doanh thu từ quỹ này dự kiến sẽ chưa có trong ít nhất một thập kỷ.
Thỏa thuận mới không bao gồm bất kỳ nghĩa vụ nợ nào của Ukraine đối với Mỹ – một điểm từng gây tranh cãi gay gắt, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng Mỹ đã viện trợ cho Kiev 350 tỷ USD kể từ khi Liên bang Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào cuối tháng 2/2022.
Cụ thể trong một bài đăng trên trang cá nhân Truth Social ngày 19/2, ông Trump khẳng định rằng Mỹ đã chi 350 tỷ USD viện trợ cho Ukraine.
Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã bác bỏ thông tin này, cho rằng con số này không phản ánh đúng thực tế.
Tổng thống Zelensky cho biết Ukraine đã nhận được trực tiếp 75 tỷ USD, một con số thấp hơn nhiều so với ước tính của Mỹ, trong khi 100 tỷ USD khác được hứa hẹn "chưa bao giờ đến tay" Ukraine.