Theo đài Sputnik, trong một thông báo trên mạng Internet, nhóm Shadow Brokers cho biết vào đầu tháng 6 này sẽ tung ra phần mềm để truy cập vào các công cụ gián điệp bí mật, cho phép bất cứ ai trả tiền mua khả năng đột nhập vào các thiết bị điện thoại cầm tay, bộ định tuyến mạng và trình duyệt web.
Ngoài ra, Shadow Brokers còn rao bán cả “zero-day”, lỗ hổng phần mềm bí mật có thể được sử dụng để phá khóa hệ điều hành Windows 10. Mặc dù không tiết lộ nhiều chi tiết, nhóm tin tặc cho biết chúng còn nắm giữ một số dữ liệu kết xuất từ chương trình hạt nhân và tên lửa ở Iran, Trung Quốc, Triều Tiên và Nga.
Shadow Brokers cũng sẽ cung cấp cả dữ liệu từ các ngân hàng quốc tế sử dụng mạng lưới chuyển tiền nhanh SWIFT.
Trong khi các chuyên gia an ninh mạng đang dò tìm nguồn gốc của vụ lây lan mã độc WannaCry, đã xuất hiện các giả thuyết cho thấy Triều Tiên có khả năng liên quan tới vụ tấn công mạng. Mặc dù bằng chứng chưa đủ kết luận, song một phần mã dùng trong phiên bản đầu của WannaCry có cùng chung công cụ với một nhóm tin tặc tên Lazarus – được các chuyên gia tin rằng có mối kết nối với
chính phủ Triều Tiên.
"Điều này ngụ ý rằng có một mã nguồn chung cho phần mềm độc hại này, có nghĩa là các tin tặc Triều Tiên đã viết WannaCry hoặc cả hai đều sử dụng cùng một mã của bên thứ ba", Giám đốc Công ty nghiên cứu mối đe dọa an ninh mạng Fidelis Cybersecurity, ông John Bambenek nói với tờ Washington Post.
Thêm vào đó, trong lúc
nghiên cứu về WannaCry, các nhà điều tra đã phát hiện mối liên quan tiềm tàng với vụ tin tặc tấn công hãng phim Sony Pictures (Mỹ) năm 2014 – nhà sản xuất bộ phim “The Interview” về một âm mưu ám sát nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Hiện Bình Nhưỡng chưa lên tiếng phản hồi về những đồn đoán trên.