Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ của Hội đồng Bầu cử quốc gia Venezuela, Tổng thống đương nhiệm Maduro, đại diện cho đảng Xã hội Chủ nghĩa thống nhất Venezuela (PSUV) cầm quyền, đã giành được 51,2% số phiếu bầu. Trong khi đó, ứng cử viên đối lập hàng đầu là nhà ngoại giao Edmundo González Urrutia - đại diện cho Hội nghị Bàn tròn thống nhất dân chủ (MUD), đạt 44,2% phiếu bầu. Với chiến thắng này, ông Maduro sẽ giữ cương vị tổng thống Venezuela thêm 6 năm nữa, nâng tổng số năm cầm quyền lên 18 năm với sự hậu thuẫn của PSUV.
Có nhiều yếu tố làm nên chiến thắng của nhà lãnh đạo này, song có lẽ yếu tố quyết định là việc ông Nicolas Maduro và PSUV tiếp tục kiên định mục tiêu theo đuổi chủ nghĩa xã hội Bolivar, đặt lợi ích của người dân lên trên hết, trước hết. Trong chiến dịch tranh cử, ông Maduro đã gửi thông điệp đến toàn bộ người dân rằng đất nước đã xây dựng được sự đồng thuận lớn để hướng tới sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ; vạch ra tương lai của Venezuela thông qua việc hoàn thành các nhiệm vụ chiến lược lớn xung quanh các trục như hiện đại hóa nền kinh tế, độc lập hoàn toàn, hòa bình, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ, xã hội, chính trị, sinh thái và địa chính trị.
Tháng 1/2024, Tổng thống Maduro đã trình bày dự án 7T (tức 7 chuyển đổi), bao gồm nhiều mục tiêu khác nhau phù hợp với các giá trị của đảng cầm quyền và chủ nghĩa xã hội Bolivar, mô hình chi phối các chính sách của chính phủ. Trong số các đề xuất quan trọng, chủ quyền quốc gia trong các vấn đề tài nguyên thiên nhiên, khoa học, công nghệ và thu nhập được ưu tiên. Theo đó, nhà lãnh đạo Venezuela cam kết đảm bảo công lý và nhân quyền. Ông đề xuất hiện đại hóa phương pháp và kỹ thuật sản xuất để đa dạng hóa nền kinh tế đất nước. Chương trình nghị sự chính trị của ông hướng tới cuộc bầu cử cũng đã nhắc lại tầm quan trọng của việc bảo vệ chủ quyền của Venezuela đối với tài nguyên thiên nhiên và thu nhập quốc dân.
Ngoài ra, đảng cầm quyền đã kết hợp biến đổi khí hậu vào chương trình nghị sự chính trị của mình và đưa ra ưu tiên mở rộng học thuyết Bolivar trong các khía cạnh khoa học, văn hóa, giáo dục và công nghệ. Chính quyền của Tổng thống Maduro đang tìm cách củng cố các giá trị của chủ nghĩa xã hội Bolivar (bao gồm 7 điểm chính: Độc lập dân tộc, Quyền tự chủ của nhân dân, Công bằng xã hội, Giáo dục toàn dân, Chống tham nhũng, Chống chủ nghĩa quân phiệt, Liên kết Mỹ Latinh) trong kế hoạch chính phủ của mình. Sự tham gia của tất cả các thành phần trong xã hội, phân phối tài sản công bằng và giảm bất bình đẳng cũng như đảm bảo an sinh xã hội cho người dân là những ưu tiên hàng đầu của chính phủ.
Về đối nội, Tổng thống Maduro cam kết về “những hình thức chính phủ mới” và “một nhà nước cách mạng và bình dân mới”, cũng như mạnh tay với nạn tham nhũng.
Trong kế hoạch 7T, ông đề ra chính sách đối ngoại của đất nước, trong đó khẳng định tăng cường liên minh chiến lược với khối BRICS, diễn đàn chính trị và kinh tế với các thành viên chủ chốt Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi; đồng thời củng cố và tăng cường quan hệ với các nước Mỹ Latinh và Caribe.
Tổng thống Nicolas Maduro khẳng định kế hoạch 7T là nhằm xây dựng tương lai của mỗi gia đình nói riêng và của toàn bộ đất nước Venezuela nói chung, một quốc gia hùng cường đang đảm bảo cho tất cả các thế hệ 50 năm hòa bình, ổn định, phát triển cá nhân và tập thể, phát triển chủ quyền và Tổ quốc tự do, độc lập.
Hướng tới năm 2030, Chính phủ Venezuela đã đưa ra mục tiêu tổng hợp lớn lao: gìn giữ hòa bình và xây dựng một mô hình kinh tế sản xuất mới, cũng như đào tạo toàn diện cho toàn bộ gia đình, thanh niên, nam giới, phụ nữ và trẻ em. Bên cạnh đó, chính quyền của ông Maduro ưu tiên 3 mục tiêu trước mắt, gồm củng cố hòa bình, ổn định và yên bình để chăm sóc và củng cố sự tăng trưởng kinh tế của tất cả mọi người; bảo vệ người dân để tiềm năng của mỗi người trở nên tốt đẹp hơn và có kết quả tốt hơn; và thịnh vượng.
Bên cạnh đó, vẫn còn không ít khó khăn đối với Tổng thống Maduro trong nhiệm kỳ này. Việc ông tiếp tục nắm quyền có thể khiến Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt gay gắt hơn đối với lĩnh vực dầu mỏ then chốt của Venezuela, gây ảnh hưởng tới triển vọng kinh tế đất nước trong dài hạn. Tình hình kinh tế khó khăn và một môi trường chính trị tiềm ẩn bất ổn do sự mạnh lên của lực lượng đối lập sẽ tạo thêm nhiều thách thức xã hội và an ninh.
Hơn 25 năm trước, ngày 6/12/1998, Venezuela đã mở ra một trang mới trong lịch sử đất nước và của toàn bộ khu vực Mỹ Latinh khi ông Hugo Chávez giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tổng thống. Ông đã lãnh đạo đất nước tạo dựng nên chủ nghĩa xã hội Bolivar vì hạnh phúc, ấm no cho người dân và sự thịnh vượng của đất nước, cũng như trong khu vực Mỹ Latinh. Kể từ thời điểm đó, các thế lực thù địch cả trong và bên ngoài tìm mọi cách gây bất ổn, cản trở sự phát triển của tiến trình cách mạng Bolivar. Kết quả cuộc bầu cử tổng thống vừa qua cho thấy chủ nghĩa xã hội và tiến trình cách mạng Bolivar vẫn vững bước với sự ủng hộ của người dân để vượt qua mọi khó khăn, thách thức trên con đường xây dựng và phát triển một đất nước Venezuela thịnh vượng.