Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc), con tàu Ever Green gắn cờ Panama, một trong những tàu chở hàng lớn nhất thế giới, nặng khoảng 233 nghìn tấn, đã bị mắc kẹt vì thời tiết xấu khi đi qua kênh đào Suez hôm 24/3. Dù thương mại toàn cầu đã bị đình trệ sau sự cố này, song không ai bị thương và môi trường cũng không bị tổn hại. Nhưng việc con tàu dài hơn 4 sân bóng đá bị mắc cạn đang trở thành đề tài chính cho những câu chuyện hài hước trên mạng xã hội.
Ai Cập đã huy động 9 chiếc tàu kéo đã để di chuyển chiếc tàu dài 400 m, với sự trợ giúp từ bờ biển của 2 công nhân và một máy xúc nạo vét phần bờ cát mà mũi tàu Ever Green mắc kẹt. Hình ảnh cỗ máy xúc quá bé nhỏ so với kích thước siêu tàu được chia sẻ nhiều trên Twitter. Nhiều bình luận ví sự chênh lệch kích cỡ cỗ máy với siêu tàu đã gây chú ý trên mạng xã hội.
"Hai anh chàng và chiếc máy đào này đang gồng mình cố gắng cứu thương mại toàn cầu", một tài khoản Twitter bình luận.
Một người còn đùa vui bằng cách mở tài khoản Twitter có tên "Anh chàng điều khiển máy đào ở kênh đào Suez". Phần tiểu sử của tài khoản này có nội dung: "Tôi cố gắng hết sức, nhưng tôi không thể hứa hẹn điều gì". Tài khoản đã thu hút hơn 18.000 người theo dõi.
Một người khác so sánh việc con tàu "án ngữ" ở kênh đào Suez giống như khi bạn cố phóng nhanh vì trễ hẹn, thì gặp phải một người mới học lái xe đang luống cuống quay đầu xe.
Khi nhiều người đánh giá con tàu có thể bị kẹt trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần, một trang web nhanh chóng được lập ra với tên gọi istheshipstillstuck, có nghĩa “tàu vẫn mắc kẹt sao”.
Nhiều bức ảnh hài hước khác cũng xuất hiện tràn ngập trên Internet như những con tàu chở hàng chất đống trên Biển Đỏ. Bức ảnh thu hút nhiều lượt xem nhất đã đề cập đến nỗi đau của năm đại dịch vừa qua. Người này đã gắn nhãn con tàu khổng lồ là “chứng trầm cảm và lo lắng trong dịch COVID-19 của tôi”.
Trong khi đó, hoạt động giải cứu con tàu bị mắc kẹt vẫn đang được tiến hành vào hôm 26/3. Đội ngũ từ Boskalis, công ty Hà Lan chuyên về trục vớt, đã bắt đầu làm việc với cơ quan quản lý kênh đào Suez từ hôm 25/3. Các nỗ lực cứu hộ tập trung vào việc nạo vét để loại bỏ cát và bùn xung quanh mạn trái của mũi tàu.
Cơ quan quản lý kênh đào Suez cho biết kịch bản mới bao gồm thực hiện các hoạt động nạo vét trong khu vực tàu mắc cạn, nhằm loại bỏ 15.000 đến 20.000 mét khối cát xung quanh mũi tàu. Hoạt động nạo vét cần đạt đến độ sâu từ 12-16 mét để cho phép tàu nổi. Kịch bản này có tính đến tính chất của đất trong khu vực xung quanh tàu mắc cạn và khoảng cách an toàn.
Một số chuyên gia cứu hộ cho rằng thiên nhiên có thể là "vị cứu tinh" cho sự cố này. Họ cho rằng một đợt triều cường vào ngày 28/3 hoặc 29/3 có thể giúp giải thoát con tàu.
Tuy nhiên, cơ quan khí tượng Ai Cập cũng đang cảnh báo về sự gián đoạn hàng hải do một cơn bão biển dự kiến xảy ra vào 27/3 và 28/3 với sức gió được dự báo lên tới 80 km/h và sóng cao tới 6 mét dọc theo Biển Đỏ và Vịnh Suez.
Ít nhất 237 tàu đang đợi Ever Green để được lưu thông, bao gồm các tàu gần cảng Said trên Địa Trung Hải, cảng Suez trên Biển Đỏ và nhiều tàu mắc kẹt giữa con kênh.
Một số tàu hiện đã phải thay đổi hướng để tránh phải đi qua kênh đào Suez. Tàu sân bay Pan Americas đã đổi hướng ở giữa Đại Tây Dương, hiện đang hướng về phía nam để đi vòng qua cực nam của châu Phi, theo dữ liệu vệ tinh từ MarineTraffic.com hôm 26/3.
Trong một tuyên bố hôm 26/3, nhà chức trách cho biết họ hoan nghênh các đề nghị hỗ trợ quốc tế giúp giải cứu con tàu, bao gồm cả Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn chưa nói rõ sẽ hỗ trợ bằng cách nào.
Theo các quan chức Ai Cập, hàng năm có ít nhất 18.000 con tàu đi qua kênh đào Suez. Lo ngại về thiệt hại kinh tế ngày càng gia tăng khi hoạt động giải cứu tàu có thể mất tới vài tuần.