Động lực hàng đầu đẩy Trung Quốc xích lại gần Saudi Arabia là vì lợi ích kinh tế. Tuy vậy, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) đánh giá rằng dù có thân thiết hơn với Riyadh, song Bắc Kinh sẽ chưa thể thay thế được vị trí của Washington với Vương quốc vùng Vịnh này.
Các nhà lãnh đạo Trung Đông thường có xu hướng quan hệ với nhiều cường quốc ngoài khu vực nhằm đa dạng kinh tế và đảm bảo an ninh. Kể từ cuộc chiến do Mỹ phát động tại Iraq, giới chức Saudi Arabia đã chỉ trích chính sách Trung Đông của Washington và hướng đến Bắc Kinh như một đối tác tương lai.
Mối quan hệ song phương Trung Quốc-Saudi Arabia đã tăng cường trên nhiều lĩnh vực như phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư, an ninh. Trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Saudi Arabia năm 2016, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký tuyên bố quan hệ đối tác chiến lược giữa hai quốc gia. Diễn biến này đã góp phần tăng cường mức độ hợp tác khi chương trình phát triển “Tầm nhìn Saudi 2030” của Thái tử Mohammed bin Salman đã kết nối với “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc.
Chuyến thăm cấp cao giữa hai quốc gia được tăng cường, kèm theo đó là cuộc tập trận chung, thiết lập quỹ đầu tư chung tập trung vào năng lượng và biên bản ghi nhớ về hợp tác hạt nhân. Có thể nói mối quan hệ song phương Trung Quốc-Saudi Arabia không chỉ dừng lại ở dầu mỏ.
Về đồng minh Mỹ-Saudi Arabia, trong thời kỳ Tổng thống Barack Obama, mối quan hệ này đã xấu đi và Quốc vương Salman thậm chí từ chối dự hội nghị Hội đồng Hợp tác Mỹ-Vùng Vịnh tổ chức tại Trại David (Mỹ) năm 2015. Khi ông Donald Trump bước vào Nhà Trắng, tín hiệu tích cực được thấy rõ khi vị Tổng thống này chọn Saudi Arabia là quốc gia nước ngoài đầu tiên tới thăm.
Tuy nhiên, mặt biển không phải ngày nào cùng yên ả. Điều tình cờ là ngay trong ngày nhà báo Khashoggi bị sát hại 2/10, Tổng thống Mỹ Trump lên tiếng cho rằng Quốc vương Saudi Arabia Salman sẽ không thể trụ vững ngai vị trong 2 tuần nếu thiếu hỗ trợ từ quân đội Mỹ.
Sau đó, ngày 20/10, Saudi Arabia tuyên bố nhà báo Khashoggi đã tử vong sau xô xát bên trong Lãnh sự quán nước này ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Ngày 22/10, Tổng thống Trump cho biết ông không hài lòng với thông báo từ Saudi Arabia về cái chết của nhà báo Khashoggi. Đến ngày 23/10, Tổng thống Trump tuyên bố hành vi vụ sát hại nhà báo Khashoggi là “một trong những màn che đậy tồi tệ nhất trong lịch sử”.
Quốc hội Mỹ đã công khai bất bình với Saudi Arabia về vụ việc. Thượng nghị sĩ Lindsey Graham còn cảnh cáo “trừng phạt Saudi Arabia”. Ngày 23/10, Mỹ thông báo sẽ hủy thị thực của khoảng 20 quan chức Saudi Arabia có liên quan đến vụ việc nhà báo Khashoggi bị giết hại. Đây là động thái cứng rắn nhất đến nay của Washington với quốc gia đồng minh thân cận này.
Tờ Wall Street Journal (Mỹ) sau đó cho biết Thái tử Mohammed cảm thấy “bị phương Tây phản bội” và sẽ tìm kiếm nơi khác, không tha thứ cho những người quay lung lại với ông khi chưa có bằng chứng được công bố.
Vậy liệu Trung Quốc có phải là sự lựa chọn của Thái tử Mohammed bin Salman?
Trong hội nghị đầu tư “Davos tại Sa mạc”, các công ty Trung Quốc đã tham gia rất nhiệt tình trong khi giới lãnh đạo quốc gia này lảng tránh bình luận về vụ sát hại nhà báo Khashoggi. Không giống một số nước phương Tây như Pháp hay Đức, giới chức Trung Quốc rất kín tiếng và không bình luận gì nhiều về vụ việc này. Đây có thể là tín hiệu Bắc Kinh không muốn gây sức ép với Saudi Arabia, tạo cơ sở cho hai bên tiếp tục xu thể tăng cường quan hệ.
Tuy nhiên, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng đánh giá Mỹ vẫn là trục trung tâm trong chính sách đối ngoại của Saudi Arabia, đặc biệt là khi hai quốc gia có cùng "đối thủ" là Iran.