Iran tố chính Mỹ tiếp tay Saudi Arabia gây ra cái chết của nhà báo Khashoggi

Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã bày tỏ quan điểm rằng chính Mỹ đã bảo hộ để Saudi Arabia ra tay sát hại nhà báo Jamal Khashoggi tại lãnh sự quán ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Chú thích ảnh
Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh: Reuters

Hãng tin Sputnik (Nga) ngày 24/10 dẫn lời Tổng thống Hassan Rouhani: “Không ai có thể tưởng tượng được rằng thế giới ngày nay, ở một thế kỷ mới nhưng chúng ta phải chứng kiến vụ sát hại có tổ chức và cả hệ thống lên kế hoạch cho điều này. Tôi cho rằng không một quốc gia nào dám gây ra tội ác như vậy nếu không có sự bảo hộ của Mỹ”.

Tổng thống Iran còn đánh giá vụ việc của nhà báo Khashoggi là "bài kiểm tra lớn" đối với các quốc gia phương Tây vốn luôn tự nhận hết mình vì nhân quyền.

Tổng thống Rouhani còn kêu gọi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành điều tra "chính xác và công bằng" để phơi bày mọi khía cạnh của tội ác "chưa từng có tiền lệ" này.

Nhà báo Khashoggi đã mất tích từ ngày 2/10 sau khi vào tòa lãnh sự Saudi Arabia ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) để làm thủ tục kết hôn. Ngày 20/10, Saudi Arabia tuyên bố ông Khashoggi đã tử vong sau một cuộc ẩu đả bên trong Lãnh sự quán nước này ở thành phố Istanbul. Tuyên bố của Riyadh đã không làm hài lòng cộng đồng quốc tế, kể cả nhiều nước đồng minh của Saudi Arabia trong đó có Mỹ.

Ngày 22/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông không hài lòng với thông báo từ Saudi Arabia về cái chết của nhà báo Khashoggi. Tổng thống Trump còn đánh giá kế hoạch 1 tháng của các cơ quan tình báo Saudi Arabia để đưa ra báo cáo đầy đủ về cái chết của nhà báo Khashoggi là kéo dài không cần thiết.

Riyadh thừa nhận đã bắt 18 nghi can liên quan đến vụ việc. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành cuộc điều tra riêng rẽ. Ngày 23/10, hãng Sky News (Anh) dẫn nguồn tin giấu tên cho biết các mảnh thi thể của nhà báo Khashoggi đã được tìm thấy trong vườn nhà Tổng lãnh sự Saudi Arabia tại Istanbul – cách lãnh sự quán 500m. Điều này trái ngược với thông tin trước đó một số quan chức Saudi Arabia giấu tên tiết lộ thi thể của nhà báo Khashoggi được bọc trong tấm thảm và chuyển đến một cộng tác viên người địa phương nhận trách nhiệm thủ tiêu chứng cứ.

Cùng ngày 23/10, Tổng thống Trump tuyên bố hành vi vụ sát hại nhà báo Khashoggi là “một trong những màn che đậy tồi tệ nhất trong lịch sử”. Ông Trump khẳng định vẫn chờ đợi các thông tin chính thức và đã cử Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Gina Haspel trực tiếp đến Thổ Nhĩ Kỳ tìm hiểu vụ việc. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đã đặt chân đến Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong một diễn biến khác, Tổng thống Iran cũng bình luận rằng nhờ Mỹ "chống lưng" mà Saudi Arabia có thể đánh bom nhằm vào người dân thường ở Yemen.

Theo báo cáo gần đây của Liên hợp quốc, các cuộc không kích do liên quân với Saudi Arabia dẫn đầu đã gây ra cái thương vong cho hơn 16.000 người dân thường Yemen trong 3 năm qua.

Vụ việc của nhà báo Khashoggi đang khiến mối quan hệ giữa hai đồng minh thân thiết Mỹ và Saudi Arabia trở nên xa cách. Điều này có thể gây tổn thất tới nỗ lực đối trọng với Iran của hai quốc gia này.

Kênh CNBC (Mỹ) đánh giá Saudi Arabia luôn là nhân tố chủ chốt trong kế hoạch của Tổng thống Trump để “cách ly” Iran. Ở thời điểm này, Nhà Trắng còn cần Riyadh để ổn định thị trường năng lượng khi Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt lên sản phẩm dầu mỏ Iran vào tháng 11.

Hà Linh/ Báo Tin tức
Mỹ có những 'đòn' gì để trừng phạt Saudi Arabia vụ sát hại nhà báo Khashoggi
Mỹ có những 'đòn' gì để trừng phạt Saudi Arabia vụ sát hại nhà báo Khashoggi

Các lệnh trừng phạt là một công cụ đã "cùn". Dưới đây mới là những gì Mỹ có thể làm để buộc những kẻ đứng sau cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi phải trả giá.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN