Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Anh nêu rõ: “An toàn là vấn đề quan trọng nhất và được quản lý hết sức chặt chẽ trong chương trình F-35. Chúng tôi sẽ tiếp tục đánh giá lại tình hình khi có thêm thông tin”. Quan chức này cho biết giới chức Anh đang liên lạc chặt chẽ với Văn phòng quản lý chương trình F-35 của Mỹ, song hiện cho rất ít thông tin về sự cố.
Chính phủ Anh, có kế hoạch mua tổng cộng 138 chiếc F-35 do tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ) chế tạo, hồi tháng 1 tuyên bố phi đội chiến đấu cơ phản lực F-35B của nước này đã sẵn sàng cho các hoạt động chiến đấu ban đầu từ mặt đất.
Đến nay, nước Anh - hiện có 17 chiếc F-35B - chưa tạm dừng hoạt động của các chiến đấu cơ mà chỉ đang giám sát chặt chẽ tình hình. Trước đó, Nhật Bản tuyên bố dừng hoạt động của toàn bộ máy bay quân sự của Lực lượng phòng vệ trên không (JASDF) trong ngày 10/4, ngoại trừ các máy bay trực chiến và máy bay vận tải, sau sự cố xảy ra với máy bay chiến đấu F-35A tối 9/4.
Tối 9/4, một máy bay F-35 thuộc đội bay số 302, Không đoàn bay số 3 của JASDF đồn trú tại căn cứ Misawa ở tỉnh Aomor, cất cánh từ căn cứ Misawa để tiến hành huấn luyện nhưng sau đó đã biến mất khỏi màn hình radar tại khu vực ngoài khơi cách thành phố Misawa khoảng 135km về phía Đông Bắc. Vào lúc xảy ra sự cố, có 1 phi công cấp tá trên máy bay. Viên phi công này đã không thông báo bất cứ dấu hiệu bất thường hay gửi tín hiệu cấp cứu nào tới trung tâm điều hành bay trước khi máy bay biến mất.
Lực lượng tìm kiếm đã phát hiện một vật được cho là mảnh vỡ từ cánh đuôi của máy bay F-35A trôi trên biển và xác nhận máy bay này đã gặp sự cố và rơi xuống biển. Lực lượng chức năng vẫn đang nỗ lực tìm kiếm tại vùng biển ngoài khơi tỉnh Aomori nhưng tới nay vẫn chưa tìm thấy tung tích viên phi công trên chiếc máy bay gặp nạn. Ngoài các máy bay và tàu tìm kiếm của JASDF và Lực lượng phòng vệ trên biển (JMSDF), lực lượng Mỹ tại Nhật Bản cũng đã cử 2 tàu tới cùng tham gia công tác cứu nạn.