Kênh CNN (Mỹ) đánh giá đến nay vẫn chưa có lý giải rõ ràng về điều đã xảy ra với MH-370 khi phi cơ chở theo 239 người này “bốc hơi” khỏi màn hình radar trong hành trình từ Kuala Lumpur (Malaysia) tới Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 8/3/2014.
Bí ẩn chưa có lời giải của MH-370 khiến Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) thuộc Liên hợp quốc phải hành động để thay đổi. ICAO đã thành lập dự án dài hạn có tên Hệ thống An toàn và Khẩn cấp Hàng không Toàn cầu (GADSS) để theo dõi tốt hơn hành trình của các phi cơ hoạt động trên bầu trời. GADSS yêu cầu mọi phi cơ lớn tự động cập nhật vị trí 15 phút/lần.
Ngoài ra, ICAO dự định đến năm 2021 các hãng hàng không trên thế giới lắp đặt hệ thống dò tìm khẩn cấp trên máy bay. Hệ thống này sẽ tự động truyền phát tín hiệu về vị trí của chiếc máy bay 1 phút/lần khi có dấu hiệu phương tiện gặp nguy hiểm. Từ những thông tin nhận được, giới chức trách sẽ tiến hành chiến dịch giải cứu máy bay.
Cơ chế hoạt động của hệ thống này là máy phát lắp đặt trên máy bay sẽ gửi tín hiệu tới trạm nhận thông tin ở trên mặt đất và các vệ tinh. Công ty Aireon (Mỹ) - nhà sản xuất hệ thống này cho biết có 66 vệ tinh quốc tế có thể dò tìm hành trình của phi cơ ở thời gian thực. Những tín hiệu này lại được truyền đến hãng hàng không và cơ quan kiểm soát không lưu. Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã tham gia vào quá trình thiết kế, thử nghiệm và phát hiện thệ thống dò tìm này của Aireon. FAA dự kiến thử nghiệm hệ thống này vào cuối năm 2020.
Lợi thế của hệ thống liên kết với vệ tinh này là loại bỏ được những điểm mù trong dò tìm máy bay như sa mạc, núi và khu vực hẻo lánh. Đây cũng chính là những điểm gây khó khăn trong dò tìm MH-370. CNN cho biết một nhiệm vụ khác ICAO cần tìm ra giải pháp là hình thành nơi chứa dữ liệu "một cửa" để bộ phận kiểm soát không lưu, đơn vị tìm kiếm và giải cứu cùng cơ quan quản lý hàng không có thể cùng truy cập.