Theo hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc ngày 8/3, đó là nhận định của ông Joel Wit, chuyên gia hàng đầu về Triều Tiên và là nhà sáng lập trang mạng phân tích tình hình đất nước này mang tên 38North.
Ông Wit lập luận rằng vụ phóng nhiều khả năng xảy ra vào giữa tháng 4 khi Bình Nhưỡng tổ chức kỳ họp Hội đồng Nhân dân Tối cao (Quốc hội) thứ 14.
“Ông Kim Jong-un có thể sử dụng một vụ phóng tên lửa để chứng tỏ tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân Tối cao thứ 14, vào giữa tháng thứ 4 rằng ông ấy không bị chùn bước bởi các biện pháp trừng phạt”.
Đầu tuần qua, cơ quan tình báo quốc gia của Hàn Quốc báo cáo lên Quốc hội rằng Triều Tiên cho thấy những dấu hiệu xây dựng lại bãi phóng Dongchang-ri, từng bị phá hủy một phần để thể hiện cam kết phi hạt nhân hóa sau Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 1 với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore năm 2018.
Trang 38North sau đó đưa tin, dẫn kèm hình ảnh vệ tinh hôm 6/3, cho thấy cơ sở này dường như đã trở về “trạng thái hoạt động bình thường”, làm dấy lên quan ngại nước này có thể sẵn sàng cho vụ phóng tiếp theo.
“Chưa có bằng chứng xác thực cho thấy Bình Nhưỡng chuẩn bị phóng bất cứ thứ gì dựa trên hình ảnh vệ tinh thương mại hiện có”, ông Wit nói, “Nhưng tất nhiên, khả năng này không thể loại trừ”.
Phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có thể quá mạo hiểm bởi vì nó có thể khiến cộng đồng quốc tế lên án, trong đó có cả Trung Quốc và Nga.
Ông Wit cho rằng sau vụ phóng, nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể đề xuất nối lại đàm phán với Mỹ, tương tự như ông từng làm sau vụ phóng tên lửa năm 2012, dẫn đến Thỏa thuận Ngày nhuận (Leap Day Deal) năm đó.
Trước đó, Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton tuyên bố Tổng thống Donald Trump sẵn sàng tiếp tục đàm phán với Triều Tiên về phi hạt nhân hóa song ông sẽ “vô cùng thất vọng” nếu các thông tin Bình Nhưỡng đã xây dựng lại các bãi phóng tên lửa là chính xác.