Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh bạo lực và bất kỳ biện pháp nào ngoài phạm vi hiến pháp sẽ chỉ làm xói mòn triển vọng hòa bình của Guinea. Tuyên bố nêu rõ: "Mỹ lên án những sự việc xảy ra ngày hôm nay ở Conakry. Những hành động đó có thể gây cản trở nỗ lực của Mỹ cũng như các đối tác quốc tế khác của Guinea hỗ trợ nước này hướng tới đoàn kết dân tộc và một tương lai tươi sáng hơn cho người dân Guinea".
Cùng ngày, Chính phủ Nigeria cũng ra tuyên bố bày tỏ "lên án mạnh mẽ và bác bỏ bất cứ sự thay đổi chính phủ nào trái với hiến pháp", theo đó kêu gọi lực lượng tiến hành binh biến ở Guinea ngay lập tức khôi phục trật tự hiến pháp và bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân. Chính phủ Nigeria nhấn mạnh vụ đảo chính tại Guinea là hành động vi phạm rõ ràng nghị định thư của Cộng đồng kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS) về dân chủ và quản trị hiệu quả.
Trước đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Liên minh châu Âu (EU), Liên minh châu Phi (AU) và ECOWAS cũng đã lên án vụ đảo chính tại Guinea. ECOWAS cảnh báo sẽ áp đặt trừng phạt nếu trật tự hiến pháp không được khôi phục ở Guinea.
Ngày 5/9, giới chức Guinea cho biết Dinh Tổng thống nước này đã bị nhóm binh sĩ đảo chính tấn công. Nhóm binh sĩ này sau đó tuyên bố đã bắt giữ Tổng thống Alpha Conde, giải tán chính phủ và xóa bỏ Hiến pháp, đồng thời đóng cửa biên giới. Lực lượng đảo chính cũng ban bố lệnh giới nghiêm trên toàn quốc.