Nghiên cứu mang tên HOPE HOME do Viện Lão khoa Quốc gia của Mỹ tài trợ, trong đó đã tiến hành phỏng vấn 6 tháng/lần, trong trung bình 4,5 năm, đối với 450 người vô gia cư trong độ tuổi từ 50 trở lên. Những người này đều sống tại thành phố Oakland, phía Bắc bang California. Thông qua các câu hỏi về tình hình sức khỏe và nơi ở của những người vô gia cư này, nhóm nghiên cứu có thể đánh giá những yếu tố như khả năng lấy lại nhà ở, nguy cơ sử dụng ma túy và mắc các bệnh mãn tính khác nhau - chẳng hạn như tiểu đường, ảnh hưởng đến nguy cơ tử vong của họ như thế nào.
Nghiên cứu được tiến hành trong 2 đợt, đợt 1 từ năm 2013 - 2014 với 350 người tham gia và đợt 2 từ năm 2017 - 2018 với 100 người. Độ tuổi trung bình của những người tham gia nghiên cứu là 58 tuổi, trong đó nam giới chiếm 76%. Nghiên cứu cho thấy khoảng 25% số người tham gia đã tử vong trong vòng vài năm kể từ khi đăng ký tham gia. Tính đến ngày 31/12/2021, có 117 trong số 450 người tham gia nghiên cứu đã tử vong.
Nguy cơ tử vong ở những người 50 tuổi hoặc già hơn mới lần đầu tiên rơi vào cảnh vô gia cư lên tới 60% và so với dân số nói chung cùng độ tuổi và giới tính, nguy cơ tử vong ở nhóm người này cao gấp 3 lần ở nam giới và 5 lần ở nữ giới.
Tuổi tử vong trung bình là 64,6 tuổi và những nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất những người trong nghiên cứu là các bệnh tim mạch (14,5%), ung thư (14,5%) và sử dụng ma túy quá liều (12%). Đáng chú ý, gần 40% số ca tử vong xảy ra sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát lần đầu tháng 3/2020, song chỉ 3 trong số những ca tử vong đó là do mắc COVID-19.
Nghiên cứu kết luận, tình trạng vô gia cư là một rủi ro đối với tất cả mọi người, trong đó những người sống lang thang trong thời gian dài có nguy cơ tử vong cao hơn 80% so với những người trở lại nhà ở.
Các chuyên gia đánh giá cao nghiên cứu này do sử dụng các thông tin thu thập theo thời gian, khác với những nghiên cứu trước đây về tỷ lệ tử vong ở người vô gia cư, thường chỉ dựa trên dữ liệu trước đó từ hồ sơ y tế.
Theo bà Margot Kushel, Giáo sư Y khoa tại UCSF và là tác giả chính của nghiên cứu, kết quả trên cho thấy việc lâm vào cảnh vô gia cư là một cú sốc lớn, tiềm ẩn nguy cơ gây tử vong lớn ở người cao tuổi. Do đó, cần đến sự can thiệp của cơ quan chức năng và các chính sách hỗ trợ nhà ở để giảm tỷ lệ rơi vào cảnh vô gia cư ở lứa tuổi này.