Không chỉ lây sang người từ gia cầm, mới đây virus cúm H7N9 còn được xác định có thể lây truyền trong không khí, làm tăng khả năng lây nhiễm loại virus này từ người sang người.Gà được bán ở chợ Kowloon City. Ảnh: SCMP |
Đây là kết quả nghiên cứu mới nhất của các chuyên gia Đại học Hong Kong (Trung Quốc) vừa được tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng đăng tải trong số báo ra ngày 24/5.
Để rút ra nhận định trên, ban đầu các chuyên gia đặt con chồn nhiễm virus cúm H7N9 cạnh một con khỏe mạnh trong phòng thí nghiệm.
Kết quả cho thấy, con chồn không nhiễm bệnh sau một thời gian tiếp xúc có dấu hiệu bị cúm. Tình trạng tương tự cũng đã xảy ra khi các chuyên gia thay thế đối tượng nghiên cứu bằng lợn, loại động vật chưa từng được xác nhận là có thể bị nhiễm virus cúm H7N9.
Theo Tiến sĩ Maria Zhu Huachen thuộc trường Y tế Công cộng, Đại học Hong Kong, tuy không có bằng chứng chắc chắn về việc virus cúm H7N9 lây nhiễm từ người sang người, nhưng nghiên cứu trên đã cung cấp chứng cứ về khả năng lây nhiễm virus cúm H7N9 trong động vật có vú.
Kết quả nghiên cứu đồng thời cho thấy số ca nhiễm virus cúm H7N9 có thể nhiều hơn con số đã phát hiện hoặc được báo cáo. Vì thế, dù gần đây nguồn lây nhiễm cúm H7N9 được giám sát chặt chẽ, nhưng các chuyên gia vẫn kêu gọi chính quyền Đặc khu tiếp tục thực hiện sự theo dõi nghiêm ngặt không chỉ với gia cầm, mà còn cả với người và lợn.
Ngoài ra, nhằm tránh virus cúm H7N9 lây lan rộng trong gia cầm, khiến nguy cơ người bị nhiễm virus cúm H7N9 tăng lên, các chuyên gia khuyến nghị phía chính quyền phải xem xét lại cách quản lý thị trường gia cầm.
Minh Thành