Công ước chống tra tấn là một trong 9 công ước cơ bản về quyền con người của Liên hợp quốc, được thông qua ngày 10/12/1984 và có hiệu lực từ ngày 26/6/1987. Việt Nam ký kết Công ước chống tra tấn ngày 7/11/2013. Ngày 28/11/2014, Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn Công ước chống tra tấn. Ngày 17/3/2015, Công ước chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết ngay sau khi Việt Nam trở thành thành viên của Công ước chống tra tấn, Bộ Công an được phân công chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Báo cáo quốc gia lần thứ nhất về các biện pháp Việt Nam đã tiến hành để thực hiện nghĩa vụ thành viên Công ước theo hướng dẫn của Liên hợp quốc, có tham khảo kinh nghiệm từ báo cáo quốc gia của các thành viên khác của Công ước và hướng dẫn của các chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế. Sau nhiều nỗ lực của Ban soạn thảo và các cơ quan, đơn vị có liên quan, ngày 28/4/2017, Báo cáo quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước khi đệ trình lên Ủy ban chống tra tấn của Liên hợp quốc.
Báo cáo đã khái quát tổng thể về bối cảnh chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam vào thời điểm triển khai thực hiện Công ước; những nỗ lực và kết quả Việt Nam đã đạt được trong việc thực hiện các biện pháp lập pháp, hành pháp, tư pháp và các biện pháp khác nhằm ngăn ngừa và trừng trị các hành vi liên quan đến tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; đồng thời cũng xác định những hạn chế, thách thức khi triển khai thực hiện Công ước tại Việt Nam và dự kiến phương hướng thực thi có hiệu quả Công ước trong thời gian tới. Cùng với việc hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo đảm quyền con người, quyền không bị tra tấn, đồng thời ngăn ngừa các hành vi có liên quan đến tra tấn, Việt Nam đặc biệt chú trọng nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về quyền con người, về chống tra tấn... Báo cáo cũng liệt kê một số vụ việc có liên quan đến tra tấn, bức cung, dùng nhục hình, là các vụ việc được điều tra, truy tố, xét xử trong thời gian gần đây. Kết quả xử lý các vụ việc này cho thấy sự nghiêm khắc của pháp luật vừa trừng trị người có tội liên quan đến tra tấn đồng thời cũng răn đe, phòng ngừa vi phạm pháp luật về chống tra tấn.
Báo cáo về các biện pháp Việt Nam đã tiến hành để thực hiện Công ước chống tra tấn thể hiện sự nghiêm túc và sẵn sàng chia sẻ, học hỏi cũng như quyết tâm của Việt Nam trong thực hiện các cam kết về nhân quyền nói chung và chống tra tấn nói riêng, qua đó cho thấy sự tích cực và chủ động của Việt Nam tham gia đóng góp vào những công việc quốc tế, nhất là việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.
Việt Nam là một trong 6 quốc gia thành viên có báo cáo được Ủy ban chống tra tấn của Liên hợp quốc xem xét và thảo luận tại phiên họp lần thứ 65 của Ủy ban chống tra tấn, diễn ra từ ngày 12/11-7/12. Ủy ban chống tra tấn tập hợp 10 chuyên gia độc lập giám sát việc thực hiện Công ước chống tra tấn của các quốc gia thành viên.
Đoàn công tác liên ngành của Việt Nam trình bày Báo cáo quốc gia lần thứ nhất về thực thi Công ước chống tra tấn bao gồm các thành viên là đại diện của các Bộ, ngành : Công an, Quốc phòng, Tư pháp, Ngoại giao, Lao động - Thương binh và Xã hội; Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ; Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc; Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva.