Một vụ tai nạn đường bộ liên quan đến tổ hợp tên lửa - pháo phòng không Pantsir-S1 đã được camera ghi lại ở Sochi, Nga. Đoạn phim từ camera giám sát đường phố ban đầu được đăng trên mạng xã hội địa phương của Nga.
Một nhà phân tích quân sự của Kyiv Post đã xem xét kỹ lưỡng hình ảnh trên video và xác định phương tiện này là hệ thống phòng không Pantsir-S1. Tuy nhiên, Kyiv Post không thể độc lập xác nhận chính xác địa điểm quay video.
Đoạn phim ghi lại khoảnh khắc người điều khiển phương tiện phòng không bị mất lái khi lao ra từ gầm cầu vượt và cố rẽ ngoặt sang bên phải. Chiếc xe chở hệ thông Pantsir bị lật, suýt chút nữa đã tông trúng một chiếc ô tô đang chạy qua.
Hiện chưa đánh giá được mức độ thiệt hại do sự cố này.
Hệ thống tên lửa Pantsir của Nga là dòng hệ thống tên lửa đất đối không và pháo phòng không tự hành tầm trung. Mỗi tổ hợp bao gồm ba thành phần: bệ phóng tên lửa di động, xe tải radar và đài chỉ huy. Tổ hợp có kíp chiến đấu gồm 2 đến 3 người.
Pantsir-S được bắt đầu phát triển vào năm 1990 nhằm thiết kế một tổ hợp hiện đại hơn tổ hợp tiền nhiệm Tunguska M1. Một nguyên mẫu được hoàn thành vào năm 1994 và được trưng bày tại triển lãm hàng không MAKS 1995. Các nghiên cứu phát triển sau đó đã bị ngừng lại do các vấn đề về kinh tế ở Nga. Phát triển cuối cùng của tổ hợp Pantsir-S1 cuối cùng có màn ra mắt tại UAE năm 2000.
Hiện tại đây được xem là tổ hợp pháo phòng không kết hợp với tên lửa bán chạy nhất thế giới và không có đối thủ trên thị trường vũ khí.
Tổ hợp tên lửa - pháo phòng không Pantsir được sử dụng để bảo vệ các khu vực mục tiêu trọng yếu, các điểm dân cư và quân sự, đội hình đơn vị chiến đấu đang cơ động lên tới cỡ trung đoàn hoặc bảo vệ các tổ hợp phòng không khác như S-300/S-400. Các mục tiêu trên không mà tổ hợp này có thể tiêu diệt là các loại máy bay, trực thăng, máy bay không người lái, tên lửa hành trình và vũ khí dẫn đường chính xác không đối đất.
Pantsir có tầm bắn tối đa là 20 km và đạt trần bắn là 15 km ngay cả khi hệ thống đang di chuyển. Theo tuyên bố của nhà sản xuất KBP, tổ hợp này có thể tiêu diệt được cả máy bay tàng hình.
Theo các nguồn tin mở, đơn giá của hệ thống tên lửa Pantsir dao động từ 13,15 triệu USD đến 14,67 triệu USD tại các thị trường xuất khẩu.
Tháng 1 năm nay, Cơ quan an ninh Ukraine cho biết các máy bay không người lái của nước này đã nhắm mục tiêu vào một nhà máy sản xuất tên lửa Pantsir-S1 nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Cụ thể, các máy bay không người lái Ukraine đã tấn công vào Shcheglovsky Val ở Tula - nhà máy chuyên sản xuất hệ thống phòng không Pantsir-S1 cho lực lượng vũ trang Nga cũng như để xuất khẩu.