Nhật Bản là một trong những quốc gia giàu có và phát triển nhất thế giới, với truyền thống văn hóa hàng nghìn năm. Còn Mông Cổ là một quốc gia nhỏ đang phát triển, dân số chỉ bằng 1/40 và thu nhập trung bình bằng khoảng 1/10 so với Nhật Bản.
Nhưng trong thánh địa của võ đài Sumo ở Nhật, người Mông Cổ đã tỏa sáng.
Sumo là một trong những đại diện được bảo tồn tốt nhất của văn hóa truyền thống Nhật Bản, một môn thể thao mang tính nghệ thuật được nhiều người tôn kính. Khi Nhật Bản trở nên giàu có hơn trong những năm 1970 và 1980, càng ngày càng ít những chàng trai trẻ Nhật Bản sẵn sàng chấp nhận thử thách khó khăn đến tàn bạo của cuộc đời võ sĩ Sumo.
Học viên Sumo bước vào trường đào tạo, được gọi là “chuồng ngựa”, khi còn là một thiếu niên, chịu kỷ luật nghiêm ngặt, một lịch trình khắc nghiệt từ lúc thức dậy, dọn dẹp, nấu ăn, phục vụ, huấn luyện, ăn và ngủ, nơi mọi khoảnh khắc của cậu đều được kiểm soát bởi người thầy của mình và các đô vật cấp cao. Ngoài quá trình huấn luyện mệt mỏi, học viên trẻ thường bị người lớn tuổi đánh đập.
Các đợt tuyển dụng môn Sumo ở Nhật Bản đã không thể tìm được đủ thí sinh để tiếp tục phát triển môn thể thao này, vì vậy người ta đã cho phép người nước ngoài tham gia. Nhóm đầu tiên là người Mỹ, từ Hawaii và Samoa, đến Nhật Bản vào những năm 1980. Hai trong số này, Akebono Taro và Musashimaru Koyo, đã trở thành Yokozuna (nhà đại vô địch – cấp bậc cao nhất trong Sumo) nước ngoài đầu tiên.
Mông Cổ, đất nước có khoảng 3 triệu dân, nằm giữa Trung Quốc và Nga, đã trải qua phần lớn thế kỷ 20 được Liên Xô hỗ trợ. Khi Liên Xô tan vỡ, đất nước rơi vào khó khăn kinh tế trầm trọng. Khi các bậc cha mẹ nghe nói rằng con trai của họ sẽ có cơ hội kiếm nhiều tiền khi sang Nhật Bản đấu vật, nhiều người đã đồng ý. Khoảng 300 chàng trai Mông Cổ đã tham gia một cuộc thi đấu vật, từ đó người Nhật chọn ra 6 người đến Nhật Bản và bắt đầu khóa huấn luyện Sumo của họ.
Cuộc sống khó khăn trên thảo nguyên đã quá quen thuộc với người Mông Cổ. 40% trong số họ ngày nay vẫn sống như những người chăn gia súc du mục.
Khi được 3 tuổi, trẻ Mông Cổ đã bắt đầu học cưỡi ngựa, đi chân trần. Đến 5 tuổi, các em bắt đầu học đấu vật. Việc cưỡi ngựa liên tục và đi chân trần trên mặt đất không bằng phẳng mang lại cho người Mông Cổ cặp đùi rắn chắc, mạnh mẽ, vốn rất quan trọng trong môn đấu vật. Hoạt động chăn nuôi và chăm sóc động vật cũng thường đồng nghĩa họ phải vật lộn hoặc mang vác vật nuôi. Hoạt động thể chất này, kết hợp với chế độ ăn chủ yếu là sữa và thịt, đã giúp các cậu bé du mục có lợi thế lớn trong đấu vật.
Các nhà tuyển dụng Nhật Bản rất thích người Mông Cổ và thấy rằng phần lớn các kỹ năng đấu vật của họ có thể được ứng dụng sang Sumo. Mặc dù các đô vật Sumo có xu hướng nặng trung bình khoảng 135 kg, nhưng nhiều người có tỷ lệ mỡ trong cơ thể là 20%. Các nhà tuyển dụng thích chọn những đô vật Mông Cổ gầy, cơ bắp hơn là những tuyển thủ đã béo sẵn. Bằng cách này, sau khi vào “chuồng ngựa” họ sẽ tăng cân dựa trên một khung thể thao rắn chắc.
Cuộc sống trong “chuồng ngựa” quá khắc nghiệt nên 5 trong số các học viên gốc Mông Cổ đã quyết định bỏ trốn. Tuy nhiên, vợ của chủ “chuồng ngựa” Oshima đã thuyết phục được các cậu bé quay lại và tiếp tục huấn luyện. Cuối cùng, Mông Cổ đã sản sinh ra bốn Yokozuna: Asashoryu Akinori, Hakuho Sho, Harumafuji Kohei và Kakuryu Rikisaburo.
Để so sánh, trong 20 năm qua, chỉ có một người Nhật Bản, là Kisenosato Yutaka (sinh năm 1986), được thăng cấp lên Yokozuna (vào năm 2017) và anh đã nghỉ hưu sau đó 2 năm.
Trước khi những người Mông Cổ đầu tiên đến Nhật Bản, hầu hết người dân xứ du mục chưa bao giờ nghe nói về Sumo. Enkhbat, một tài xế ở Ulaanbaatar, giải thích: “Vào thời điểm đó, Mông Cổ đóng cửa với thế giới bên ngoài. Chúng tôi chỉ có hai kênh truyền hình, một của Nga và một của Mông Cổ. Không ai biết về Sumo”.
Tất cả đã thay đổi khi người Mông Cổ bắt đầu giành chiến thắng. “Khi Asashoryu vô địch giải đấu đầu tiên, mọi người ở Mông Cổ đều vui sướng phát điên”, theo Tuvshin, một bác sĩ ở Ulaanbaatar. Ông nói rằng sau đó tất cả các kênh truyền hình nhà nước đều đưa tin về các sự kiện Sumo, và khi các giải đấu diễn ra, mọi người đều xem và cổ vũ cho những người hùng dân tộc của mình.
Vào thời điểm đó, không có nhiều người Mông Cổ thành công bên ngoài đất nước. Các nhà vô địch Sumo đã trở thành biểu tượng của niềm tự hào và thành tích của người Mông Cổ. “Asashoryu Akinori là một người anh hùng và là hình mẫu cho mọi cậu bé”, bác sĩ Tuvshin nói.
Tuy vẫn là một quốc gia đang phát triển nhưng trong 20 năm qua, Mông Cổ đã trở nên giàu có hơn. Điện thoại di động, internet và truyền hình vệ tinh luôn sẵn sàng cho thế hệ trẻ.
Không nghi ngờ gì nữa, trò chơi điện tử và giải NBA (bóng rổ Mỹ) ngày nay phổ biến hơn Sumo trong giới trẻ Mông Cổ. Tuy nhiên, trong giới đô vật và võ sĩ võ thuật tổng hợp (MMA), các nhà vô địch Sumo vẫn là nguồn cảm hứng. Dandar, một huấn luyện viên đấu vật tự do, cho biết, “Chúng tôi rất tự hào về các đô vật Sumo của chúng tôi, họ đã nhiều lần giành chiến thắng. ”
Khoản tiền thưởng lớn của các giải đấu Sumo vẫn là một lực hút lớn ở Mông Cổ. Các giải đấu hàng đầu có thể có giải thưởng lên tới 20.000 USD. Ngoài ra các đô vật còn nhận được thu nhập hàng tháng, tùy thuộc vào thứ hạng, và tới sáu khoản tiền thưởng mỗi năm. Mức lương cho một Yokozuna là khoảng 26.000 USD/mỗi tháng, trái ngược với mức lương trung bình của người Mông Cổ là khoảng 400 USD/tháng.
Theo cựu nhà báo chuyên về sumo Mông Cổ Dashzevegiin Altankhuyag có hơn 40 đấu vật Mông Cổ ở Nhật Bản ngày nay.
Một võ sĩ Sumo Mông cổ là Terunofuji đã chiến đấu để giành được Ozeki (thứ hạng cao thứ hai trong Sumo), nhưng sau đó do các vấn đề về đầu gối và sức khỏe nghiêm trọng, anh phải bỏ lỡ quá nhiều giải đấu. Kết quả là vào năm 2017, Terunofuji bị giáng xuống thứ hạng thấp thứ hai.
Một đô vật phải chịu đựng sự sỉ nhục công khai như vậy sẽ phải nghỉ hưu. Tuy nhiên, thay vì từ bỏ ước mơ của mình, Terunofuji đã trở lại. Vào tháng 3/2020, anh đã “quét sạch” giải đấu ở Osaka, chiến thắng gần như tất cả các trận đấu của mình. Chiến thắng trong giải đấu Nagoya đỉnh cao vào tháng 8/2020 đã đưa Terunofuji trở thành “Cinderella Man” (Chàng Lọ lem) của Mông Cổ.