Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết, ngoài H&M và Zara, Forever 21 cũng góp phần phổ biến dòng trang phục thời thượng nhưng giá cả bình dân.
Giới trẻ cũng có xu hướng chọn các thương hiệu có nguồn gốc rõ ràng về vật liệu thay vì bỏ ra khoảng 5 USD để mua những chiếc áo bằng vải kém chất lượng ở những cửa hàng không tên tuổi.
Forever 21 đã mở 815 cửa hàng tại 57 quốc gia và qua việc đệ đơn phá sản, hãng này muốn tập trung vào mảng thu lợi nhuận tốt hơn. Forever 21 đề nghị đóng 178 cửa hàng tại Mỹ và ở một số quốc gia khác.
Các nhà phân tích cho rằng mức giá thấp và đầu tư vào những cửa hiệu quy mô hoành tráng có thể là nguyên nhân khiến Forever 21 rơi vào khó khăn về tài chính. Trong khi đó, H&M và Zara, các thương hiệu thời trang cùng phân cấp, cũng chưa bao giờ mở những cửa hàng lớn như Forever 21. Thậm chí Zara chỉ có 85 cửa hàng tại Mỹ.
Gabriella Santaniello, người thành lập công ty nghiên cứu bán lẻ A-Line Partners, nhận định: “Khách hàng ngày nay chú ý hơn đến việc chi tiêu. Họ muốn ổn định và tôi cho rằng Forever 21 chưa đáp ứng được điều này”.
Nữ khách hàng Sommer Reling (25 tuổi) của Forever 21 chia sẻ về quần áo mua tại đây: “Bạn giặt một lần và chúng có dấu hiệu sờn”. Nhưng một khách hàng khác lại khá lạc quan, cô Jennifer Thurmond (46 tuổi) cho biết Forever 21 có thể chuyển mình nếu vẫn giữ phong cách thời trang và giá thành hợp lý.