Theo tạp chí Phố Wall, với quyết định trên, Forever 21 sẽ đóng cửa 350 cửa hàng trên toàn thế giới, bao gồm 178 cửa hàng tại Mỹ. Trong một văn bản, thương hiệu này cho biết nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 của Luật phá sản Mỹ là bước đi quyết định để đưa Forever 21 đi đúng hướng trong tương lai.
Nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 sẽ đảm bảo cho Forever 21 vẫn được giữ quyền kiểm soát và sở hữu tài sản của mình trong khi tiến hành tái cấu trúc.
Được thành lập tại Los Angeles vào năm 1984 bởi cặp vợ chồng người Hàn Quốc Do Won và Jin Sook Chang, Forever 21 có sự hiện diện rộng khắp các trung tâm mua sắm trên khắp nước Mỹ, khi cung cấp cho khách hàng tuổi teen những trang phục gần giống với các nhãn hiệu thời trang cao cấp song với mức giá khá hời.
Để cạnh tranh với các thương hiệu như H&M và Zara, Forever 21 đã khởi động chương trình mở rộng kinh doanh sang trang phục nam và giày dép, qua đó làm gia tăng số lượng cửa hàng của thương hiệu này trên toàn thế giới lên đến 800.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng Forever 21 đã không phản ứng kịp với tốc độ gia tăng của các nhà bán lẻ trực tuyến, cũng như sự thay đổi tâm lý của người tiêu dùng.
Đầu tháng Chín, nhà bán lẻ thời trang nổi tiếng trên tuyên bố sẽ đóng cửa tất cả 14 các cửa hàng tại Nhật Bản vào cuối tháng Mười. Cùng tháng đó, ngôi sao nhạc pop người Mỹ Ariana Grande đã kiện Forever 21 vì đã sao chép hình ảnh của cô để quảng bá sản phẩm mà không có sự cho phép.