Theo một thông cáo chính thức, ngân hàng lớn thứ ba của Pháp nói trên đã thực hiện 2.600 giao dịch quốc tế trong giai đoạn 2003 – 2013 đi ngược lại các biện pháp trừng phạt mà Chính phủ Mỹ đưa ra.
Societe Generale sẽ phải trả 717 triệu USD cho Bộ Tư pháp Mỹ, 420 triệu USD cho Sở Dịch vụ Tài chính New York, 163 triệu USD cho cơ quan kiểm sát quận Manhattan, 81 triệu USD cho Fed và 54 triệu USD cho Bộ Tài chính Mỹ. Fed cho biết Societe Generale đã có những hành động “thiếu an toàn và gây hại” cho việc áp dụng các biện pháp trừng phạt trong khuôn khổ của cuộc bao vây cấm vận của Mỹ chống Cuba.
Một nguyên nhân dẫn tới các hình phạt khác được Fed trích dẫn là do Societe General đã thiếu các chính sách và thủ tục đủ để đảm bảo các hoạt động tiến hành tại các văn phòng của ngân hàng này ngoài lãnh thổ Mỹ tuân thủ các biện pháp trừng phạt.
Bên cạnh việc nộp phạt, Societe General cũng bị cấm tái ký hợp đồng với các cá nhân liên quan tới những vi phạm trước đây hay giữ họ với tư cách nhà thầu hoặc tư vấn.
Tính chất ngoài lãnh thổ là một trong những đặc điểm bị lên án mạnh mẽ nhất của cuộc bao vây cấm vận của Mỹ chống Cuba. Theo tính toán của La Habana, chỉ riêng đối với Cuba, thiệt hại do cấm vận của Mỹ gây ra từ tháng 4/2017 tới tháng 3/2018 đã là 4,321 tỷ USD và đưa tổng thiệt hại mà chính sách này gây ra trong trong hơn nửa thế kỷ qua đối với Cuba lên tới 933,578 tỷ USD.
Trước Societe Generale, một số ngân hàng châu Âu cũng đã trở thành nạn nhân của chính sách này, trong đó điển hình là Credit Agricole phải nộp phạt cũng theo thỏa thuận ngoài tòa án 787 triệu USD vào năm 2015, BNP Paribas phải trả khoản phạt kỷ lục gần 9 tỷ USD vào năm 2014, còn Credit Suisse phải nộp 536 triệu USD vào năm 2009.