Số liệu cụ thể cho thấy trong năm 2023, Trung Quốc có 274.400 trường mẫu giáo, trong khi con số đó vào năm 2022 và năm 2021 lần lượt là 289.200 và 294.800 trường.
Việc đóng cửa các nhà trẻ được cho là có nguyên nhân phần lớn xuất phát từ tỷ lệ sinh giảm. Số trẻ sơ sinh trong một năm là một trong những yếu tố dự báo số lượng trẻ đi học mẫu giáo ba năm sau.
Trong năm 2023, chỉ có 9 triệu trẻ sơ sinh được sinh ra, giảm so với 9,6 triệu trẻ của năm trước đó và 10,6 triệu trẻ vào năm 2021, 12 triệu trẻ vào năm 2020, 14,7 triệu trẻ vào năm 2019 và 15,2 triệu trẻ vào năm 2018.
Trả lời phỏng vấn trang tin Yicai, ông Ding Changfa, Giáo sư kinh tế tại Đại học Hạ Môn, nói rằng các trường mẫu giáo ở khu vực nông thôn và các khu vực có dân số phải di cư ra ngoài tỉnh bị ảnh hưởng nhiều nhất. Hầu hết các trường mẫu giáo công lập ở thành thị ít bị ảnh hưởng hơn nhờ điều kiện giáo dục tốt hơn, trong khi các trường tư thục bị ảnh hưởng nhiều hơn.
Theo Yicai, sự suy giảm về số lượng trẻ em cũng sẽ ảnh hưởng đến các cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông và sau đó là đại học.
Qiao Jinzhong, Giáo sư tại học Viện nghiên cứu giáo dục đại học thuộc Khoa Giáo dục của Đại học Sư phạm Bắc Kinh, dự đoán trong năm 2035, Trung Quốc chỉ cần khoảng 92.800 trường tiểu học, giảm từ mức 144.200 trường vào năm 2020. Bên cạnh đó, nhu cầu đối với các trường trung học cơ sở sẽ giảm 3.800 trường, xuống còn 47.900 trường.
Giáo sư Ding chỉ ra các trường đại học top đầu sẽ không gặp vấn đề gì trong việc tuyển sinh, trong khi các cơ sở bị ảnh hưởng nhiều nhất sẽ là các trường tư thục, bao gồm các trường cao đẳng nghề và đại học. Ông đồng thời cho biết thêm một số trường cao đẳng công lập thiếu các đặc điểm khác biệt và khả năng cạnh tranh cũng có thể gặp khó khăn trong tuyển sinh.
Cuối năm 2023, giáo dục Trung Quốc chứng kiến thực trạng việc các trường mẫu giáo, nhà trẻ phải đóng cửa và sáp nhập diễn ra trên toàn quốc.
Vào khoảng năm 2015, để có được một suất vào trường mẫu giáo gần nhà, nhiều phụ huynh phải xếp hàng hàng giờ hoặc thậm chí dựng lều và xếp hàng suốt đêm. Những cảnh tượng như vậy giờ đây đã là quá khứ, khi mô hình tăng trưởng dân số thay đổi đã làm giảm nhu cầu và dẫn đến việc tái cơ cấu ngành.
Vào tháng 8/2023, huyện Linquan ở tỉnh An Huy, được biết đến là huyện đông dân nhất Trung Quốc, với dân số 2,3 triệu người, tuyên bố đóng cửa 50 trường mẫu giáo tư thục. Số trường mầm non bị đóng cửa chiếm 11,8% số trường mầm non của huyện. Tại huyện Jimo ở Thanh Đảo, một thành phố ven biển thuộc tỉnh Sơn Đông, 61 trường mẫu giáo thuộc sự quản lý của địa phương đã bị đóng cửa hoặc sáp nhập. Tháng 12/2023, Hồ Nam trở thành tỉnh đầu tiên trong cả nước công bố kế hoạch điều chỉnh lại việc phân bổ các trường mẫu giáo, tập trung xây dựng hoặc mở rộng cơ sở tại các thành phố có số lượng trẻ sơ sinh cao hơn.
Hầu hết các trường mẫu giáo được sáp nhập hoặc đóng cửa đều do tư nhân quản lý. Ngoại trừ những trường không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn hoặc được thay thế bởi các trường mẫu giáo công lập, hầu hết các trường đều buộc phải đóng cửa do thiếu trẻ nhỏ.
Tất nhiên, tỷ lệ sinh giảm không phải là lý do duy nhất dẫn đến việc hàng loạt trường mẫu giáo đóng cửa. Việc đóng cửa các trường mẫu giáo tư nhân và mở các trường mẫu giáo công lập phi lợi nhuận diễn ra song song. Tại huyện Linquan, 9 trường mẫu giáo đã được xây dựng mới và mở rộng trong những năm gần đây, nâng tổng số trường mẫu giáo công lập lên 2.070 trường.
Mặc dù giáo dục mầm non không bắt buộc ở Trung Quốc nhưng đầu tư của chính phủ vào lĩnh vực này đang tăng lên. Các trường mẫu giáo công chỉ thu phí hàng nghìn nhân dân tệ mỗi năm, trái ngược với hàng chục nghìn nhân dân tệ trở lên vào các trường tư và mở ra nhiều lựa chọn cho phụ huynh.
Số lượng trường mẫu giáo ngừng hoạt động ngày càng tăng đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều giáo viên mẫu giáo tìm kiếm công việc khác. Theo Giáo sư Qiao, năm 2035, quốc gia sẽ dư thừa khoảng 1,5 triệu giáo viên tiểu học và 370.000 giáo viên trung học dựa trên tỷ lệ giáo viên-học sinh hiện tại.
Trái ngược với mẫu giáo, nhu cầu về dịch vụ chăm sóc trẻ dưới 3 tuổi hiện đang vượt xa nguồn cung. Theo Ủy ban Y tế Quốc gia, năm 2023, Trung Quốc hiện có khoảng 40 triệu trẻ dưới 3 tuổi và trong khi chỉ 5,5% trong số đó đến nhà trẻ thì hơn 35% gia đình có trẻ đang trong độ tuổi tập đi muốn sử dụng dịch vụ giữ trẻ. Các chuyên gia chỉ ra phương án tốt nhất cho các trường mẫu giáo và giáo viên dư thừa là mở thêm dịch vụ chăm sóc trẻ dưới 3 tuổi.