Venezuela cắt giảm ngân sách sau quyết định của OPEC

Ngay sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) thông báo tiếp tục duy trì sản lượng ở mức 30,66 triệu thùng/ngày bất chấp sự dư thừa nguồn cung và giá dầu đã giảm khoảng 30% trong những tháng gần đây, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro ngày 28/11 tuyên bố cắt giảm ngân sách của chính phủ.

Tổng thống Nicolas Maduro cho rằng việc cắt giảm ngân sách là cần thiết khi quốc gia Nam Mỹ này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hàng hóa cơ bản và lạm phát cao.


Phát biểu trong một sự kiện với giới công chức Venezuela, Tổng thống Maduro cho biết ông đã chỉ thị cắt giảm một số khoản trong ngân sách quốc gia đồng thời kêu gọi giảm lương của các quan chức cấp cao trong chính phủ, từ các công ty quốc doanh đến các bộ, kể cả lương của tổng thống. Ông cho rằng việc làm này là cần thiết khi quốc gia Nam Mỹ này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hàng hóa cơ bản và lạm phát cao.

Trước đó, phát biểu trên truyền hình ngày 27/11, Tổng thống Maduro đã kêu gọi OPEC cắt giảm lượng khai thác và xuất khẩu dầu để đưa giá dầu thế giới trở lại mức khoảng 100 USD/ thùng. Ông khẳng định Caracas sẽ không từ bỏ nỗ lực tại OPEC cho tới khi giá dầu tăng lại mức mà nước này cho là hợp lý nói trên.

Venezuela là một trong 5 thành viên sáng lập OPEC và có trữ lượng dầu mỏ được phát hiện lớn nhất trên thế giới. Dầu mỏ là mặt hàng xuất khẩu chiến lược của quốc gia Nam Mỹ này, chiếm tới 96% nguồn thu ngoại tệ. Giá dầu giảm đã trở thành một thách thức lớn với chính quyền Venezuela vốn đang chật vật đối phó với tỷ lệ lạm phát ở mức cao và tình trạng thiếu lương thực, thuốc chữa bệnh... Theo ước tính, khi giá dầu giảm 1 USD/thùng, Venezuela sẽ thất thu khoảng 720 triệu USD mỗi năm.


Được thành lập vào năm 1960, OPEC hiện gồm 12 thành viên là Angola, Saudi Arabia, Algeria, Ecuador, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Iraq, Kuwait, Nigeria, Qatar, Iran, Lybia và Venezuela. Với trữ lượng dầu thô được phát hiện và khai thác chiếm tới 80% tổng trữ lượng trên toàn thế giới, sản lượng dầu của OPEC đáp ứng 30% nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.


TTXVN/Tin tức

Diện mạo thế giới sau sự đảo chiều trên thị trường dầu mỏ
Diện mạo thế giới sau sự đảo chiều trên thị trường dầu mỏ

Nếu các nước xuất khẩu mất trắng nhiều tỷ USD từ sự giảm giá lần này, thì các nước tiêu thụ và nhập khẩu dầu mỏ khối lượng lớn như Mỹ, các nước châu Âu, châu Á và khu vực Trung Đông-Bắc Phi lại được lợi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN