Tờ Financial Times (FT) dẫn năm nguồn thạo tin ngày 16/3 đưa tin các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine về kế hoạch hòa bình đã có tiến triển đáng kể, trong đó có điều khoản về thiết lập thỏa thuận ngừng bắn, Nga rút quân khỏi Ukraine nếu chính quyền Kiev tuyên bố trung lập và chấp nhận hạn chế về quy mô lực lượng vũ trang.
Hai nguồn tin cho biết phái đoàn đàm phán Nga và Ukraine đã lần đầu tiên thảo luận về một kế hoạch tổng thể, toàn diện trong ngày 14/3. Bản kế hoạch dự thảo 15 diểm này đề cập đến việc Ukraine từ bỏ tham vọng gia nhập NATO, cam kết không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự, đồn trú vũ khí, để đổi lấy bảo đảm an ninh từ một số đồng minh như Mỹ, Anh và Thổ Nhĩ Kỳ. Ukraine vẫn duy trì lực lượng vũ trang, nhưng sẽ đứng ngoài các liên minh quân sự kiểu NATO.
Tuy nhiên, phương Tây bảo đảm an ninh cho Ukraine được đến đâu và khả năng chấp nhận từ phía Moskva như thế nào có thể vẫn là một rào cản lớn đối với bất kỳ một thỏa thuận nào, cùng với đó là quy chế đối với Crimea, vùng lãnh thổ sáp nhập vào Nga hồi năm 2014 nhưng không được Ukraine và phương Tây công nhận.
Trao đổi với FT, ông Mykhailo Podolyak, cố vấn cấp cao của Tổng thống Volodymyr Zelensky và là Trưởng đoàn đàm phán bên phía Ukraine, cho biết thỏa thuận sẽ phải đề cập đến việc Nga rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine, đặc biệt là ở các khu vực miền nam dọc biển Azov và Biển Đen, lãnh thổ nằm về phía đông và phía bắc thủ đô Kiev.
Hiến pháp Ukraine đề cập đến việc nước này mong muốn gia nhập NATO. Nhưng sau khi xung đột với Nga bùng phát, Tổng thống Zelensky và các cố vấn thân cận đã gần như từ bỏ ý định đưa Ukraine gia nhập liên minh quân sự này. Tại cuộc họp với các lãnh đạo của Lực lượng Viễn chinh Liên hợp do Anh dẫn dắt vào hôm 15/3, Tổng thống Zelensky phát biểu rằng cánh cửa gia nhập NATO gần như không còn, đó là thực tế mà Ukraine phải chấp nhận.
Cố vấn Podolyak cũng nêu quan điểm tương tự, khi nói rằng hiện tại không có bất kỳ một hệ thống hiệu quả nào đối với an ninh châu Âu, khi thực tế cho thấy một cuộc chiến nghiêm trọng vừa nổ ra, NATO đã nhanh chóng đứng bên ngoài.
Thay vì gia nhập NATO, ông Podolyak cho biết chính quyền Kiev đề xuất “mô hình bảo đảm an ninh cho Ukraine”, trong đó đề cập đến việc những quốc gia bảo trợ sẽ tham gia tức thời và hợp pháp, sát cánh cùng Ukraine chống lại hành động vi phạm sự thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của nước này. Ông không quá bận tâm đến điều khoản Ukraine cấm nước ngoài đặt căn cứ quân sự, bởi điều này đã được đề cập trong các luật trước đây.
Trưởng đoàn đàm phán Podolyak đồng thời cũng nói rằng dự thảo 15 điểm mà tờ Financial Times có được mới chỉ đề cập đến những điều khoản của Nga, chứ chưa nói đầy đủ các yêu cầu của Ukraine trong khi Kiev có quan điểm riêng.
Về phần mình, Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 16/3 cho biết một Ukraine trung lập theo mô hình của Áo hay Thụy Điển cũng là một khả năng. “Lựa chọn này đang được đưa ra thảo luận và có thể xem đó là lựa chọn trung lập”, ông Peskov phát biểu trước báo giới.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết đàm phán diễn ra khó khăn, nhưng vẫn có một số hy vọng đạt được thỏa hiệp, hai bên đang tiến gần đến sự đồng thuận đối với nhiều câu chữ đề cập chi tiết. Vấn đề quy chế trung lập của Ukraine đang được thảo luận nghiêm túc, đi cùng với đó là sự đảm bảo về an ninh.
Cùng ngày, phát ngôn viên Nhà Trắng Ned Price cho biết Mỹ hoan nghênh những dấu hiệu tích cực trong tiến trình đàm phán ngoại giao giữa Nga và Ukraine. Song quan chức này khẳng định Nhà Trắng muốn thấy rõ hành động xuống thang căng thẳng từ phía Nga.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình PBS của Mỹ cùng ngày, ông Podolyak cho rằng để giải quyết xung đột cần "cuộc đàm phán trực tiếp giữa hai tổng thống”. Ông cho biết đây là vấn đề mà hai bên đang thúc đẩy trong các cuộc đàm phán hoà bình, theo đó đang soạn thảo các tài liệu để các tổng thống có thể thảo luận trong thời gian tới và ký kết. Theo ông Podolyak, lập trường của Kiev và Moskva vẫn khác biệt, song ông tin rằng có thể đạt được thoả thuận ngừng bắn trong vài ngày tới.