Theo phóng viên TTXVN tại Italy, phiên tòa này theo dự kiến sẽ bắt đầu ngày 24/11 tới. Báo chí Italy cho hay, một thẩm phán của Tòa án Vatican đã truy tố 5 người, trong đó có 3 người từng làm việc cho Vatican là Đức ông Lucio Vallejo Balda cùng người trợ lý và bà Francesca Chaouqui bị buộc tội đã chuyển thông tin ra ngoài, và 2 nhà báo Emiliano Fittipaldi và Gianluigi Nuzzi đã nhận các tài liệu mật nói trên để viết hai cuốn sách đang gây tiếng vang về bê bối tài chính ở Vatican.
Ba nhân vật từng làm việc trong một Ủy ban liên quan đến tài chính của Vatican bị buộc tội đã tiết lộ các tài liệu tối mật của Tòa thánh ra ngoài, trong khi hai phóng viên điều tra nổi tiếng của Italy bị truy tố về tội "dụ dỗ" và "sử dụng ảnh hưởng" để gây áp lực nhằm có được các thông tin nhạy cảm.
Nhà báo Nuzzi đã từ chối tới Vatican để trả lời các nhà điều tra của Tòa thánh xung quanh các nguồn tin mà ông có được. Trong khi đó, nhà báo Fittipaldi tuần trước đã tới gặp các nhà điều tra Vatican theo yêu cầu của họ, nhưng không trả lời bất cứ câu hỏi nào, viện dẫn luật Italy cho phép bảo vệ các nguồn tin.
Nếu Tòa án Vatican kết tội hai nhà báo này, rắc rối về ngoại giao và chính trị với Italy có thể sẽ xảy ra, khi Vatican có thể sẽ đòi hỏi Italy cho dẫn độ họ và chưa biết Italy có đáp ứng đề nghị này không. Theo Luật hình sự của Vatican, những người bị buộc tội làm lộ bí mật của Tòa thánh có thể sẽ phải nhận từ 3 đến 8 năm tù.
Hai cuốn sách về các bê bối của Vatican đã được phát hành hôm 5/11 và đã bán hết ngay trong ngày đầu tiên. Được cho là "những quả bom" gây chấn động Tòa thánh, trong thời điểm Năm thánh đặc biệt về lòng thương xót mà Vatican tổ chức, bắt đầu vào ngày 8/12 tới, những cuốn sách này có thể sẽ gây tác động tiêu cực lên Tòa thánh.
Trước đó, vụ "Vatileaks 1" đã nổ ra năm 2012, khi một người hầu phòng của Giáo hoàng lúc đó là Benedict XVI đã tuồn các tài liệu về những sai phạm tài chính của Vatican ra ngoài cho nhà báo Nuzzi. Một số nhà bình luận Vatican cho rằng, cuốn sách tiết lộ quá nhiều sai phạm trong quản lý tài chính này là một trong những nguyên nhân Giáo hoàng Benedict XVI từ chức vào đầu năm 2013.