Sau khi nhận được thông tin vào tối 22/9, một đội tuần tra hải quân đã kéo chiếc thuyền đánh cá dài bằng gỗ đang trôi dạt đến cảng Dakar. Các thi thể trên thuyền đều trong tình trạng phân hủy nặng. Cho đến nay, lực lượng chức năng đã tìm thấy 30 thi thể. Trong thông báo trên mạng xã hội, quân đội nêu rõ đang tiến hành điều tra để xác định thuyền đến từ đâu cũng như tổng số người thiệt mạng.
Bờ biển Senegal là một trong những điểm khởi hành chính của nhiều người di cư hy vọng đến được châu Âu, đồng thời là khu vực thường xuyên chứng kiến các thảm kịch di cư bằng thuyền. Nhiều người trong số này đã chấp nhận hành trình vượt Đại Tây Dương đầy nguy hiểm để hướng đến Quần đảo Canary của Tây Ban Nha.
* Ít nhất 3 người di cư đã thiệt mạng và khoảng 25 người khác mất tích trong vụ chìm thuyền xảy ra ngày 23/9 ngoài khơi đảo Samos của Hy Lạp, phía Đông biển Aegean.
Đài truyền hình nhà nước Hy Lạp đưa tin lực lượng bảo vệ bờ biển nước này đã giải cứu được 5 người di cư. Hoạt động tìm kiếm, cứu nạn vẫn đang được thực hiện khẩn trương tại vùng biển ngoài khơi thành phố Agios Isidoros, phía Tây Bắc của đảo Samos, với 4 tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển và tư nhân cùng 1 máy bay trực thăng được huy động. Lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp chưa nhận được báo cáo cụ thể về số người có mặt trên chiếc xuồng cao su chở nhóm người di cư vừa gặp nạn. Hiện chưa có thông tin về danh tính hoặc quốc tịch của những người được cứu cũng như 3 thi thể được tìm thấy.
Hy Lạp là cửa ngõ thường được người di cư và người tị nạn từ Trung Đông, châu Phi và châu Á tìm đến để từ đó đi vào Liên minh châu Âu (EU). Trong giai đoạn đỉnh điểm làn sóng di cư đến "lục địa già" năm 2015-2016, khoảng gần 1 triệu người đổ bộ lên các đảo của Hy Lạp, chủ yếu bằng xuồng cao su. Các biện pháp ngăn chặn di cư bất hợp pháp được Chính phủ Hy Lạp áp dụng đã giúp giảm đáng kể dòng người đổ đến trước khi tăng trở lại vào năm ngoái. Hàng nghìn người vẫn vượt biển, trên những xuồng cao su không đủ an toàn, từ bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ đến các đảo Hy Lạp gần đó.